Núi lửa Anak Krakatau, thủ phạm chính gây ra vụ sóng thần chết chóc hôm 22-12 ở Indonesia, là "hậu duệ" của thảm họa núi lửa thảm khốc bậc nhất lịch sử xảy ra năm 1883 mang tên: Krakatau.
Hiểm họa bị bỏ quên
Trong trận sóng thần mới nhất nói trên khiến ít nhất 430 người thiệt mạng, 1.300 người bị thương và đẩy hàng ngàn người ở các cộng đồng ven biển các đảo Java và Sumatra vào cảnh mất nhà.
Dù vậy, con số thương vong trên không là gì nếu so với thảm họa do đảo núi lửa Krakatau từng gây ra. Vào ngày 27-8-1883, đảo núi lửa tại eo biển Sunda nằm giữa Java và Sumatra này từng ghi tên vào sử sách khi gây thay đổi thời tiết khắp thế giới suốt nhiều năm và cướp đi sinh mạng của khoảng 37.000 người. Thảm họa cũng gợi cảm hứng cho một kiệt tác nghệ thuật vô giá đến nay vẫn khiến cả thế giới tôn vinh.
Núi lửa Anak Krakatau tuôn những cột khói khổng lồ hôm 23-12 Ảnh: REUTERS
Indonesia nằm trên một trong những khu vực hoạt động kiến tạo địa chất tích cực nhất trái đất và hiện là "ngôi nhà" của 127 núi lửa còn hoạt động. Phần lớn quốc đảo này tự hình thành do sự dịch chuyển của 3 mảng lục địa lớn, khiến các đảo nổi lên từ đáy đại dương.
Anak Krakatau, còn gọi là "đứa con của Krakatau", mọc lên năm 1928 ở hõm chảo Krakatau. Với những dòng dung nham chảy liên tục, Anak Krakatau lớn dần từ một mô đất dưới biển thành đảo núi lửa nhỏ với phần chóp nằm ở độ cao khoảng 300 m phía trên mực nước biển. Trong suốt thập kỷ qua, núi lửa Anak Krakatau được theo dõi sát sao các đợt phun trào và từ tháng 6, người ta bắt đầu ghi nhận được những hoạt động đặc biệt, nó thường xuyên phun những cột tro khổng lồ lên cao và bắn bom dung nham khiến một tàu du lịch suýt bị rơi trúng hồi tháng 10.
Những đợt phun trào cuối tuần trước, trong đó có một đợt nổ tung dữ dội ngày 22-12, được cho là đã khiến một phần núi lửa sụp xuống vùng biển xung quanh cũng như có khả năng gây ra lở đất dưới đáy biển, từ đó kích hoạt sóng thần. Các nhà khoa học cảnh báo suốt nhiều năm qua về nguy cơ xảy ra một vụ sóng thần như những gì đã xảy ra hôm 22-12. Thế nhưng, hệ thống cảnh báo sớm của Indonesia được thiết kế để phát hiện động đất thay vì những dịch chuyển do hoạt động của núi lửa gây ra.
Năm 2012, các nhà khoa học tại Hội Địa chất London (Anh) chuyên nghiên cứu về sóng thần do núi lửa gây ra cũng đã cảnh báo về thảm họa nêu trên. "Do dân đông, sự tập trung của đường bộ và hạ tầng công nghiệp dọc một số bờ biển trống trải của các quần đảo Java và Sumatra, thêm vào đó là phần lớn đất đai ở vị trí thấp so với mặt biển, đe dọa từ sóng thần là cực kỳ nghiêm trọng" - các nhà khoa học lý giải. Dẫn chứng núi lửa Krakatau minh họa cho một điểm rằng sóng thần do phun trào núi lửa gây ra và bất ổn địa chất là một mối hiểm họa bị bỏ quên.
Các vụ phun trào xảy ra trong vài ngày hồi tháng 8-1883, trong đó có 4 vụ nổ lớn ngày 27-8. Mỗi vụ nổ này gây ra một trận sóng thần ở khu vực xung quanh, phá hủy hơn 150 ngôi làng ven biển và ước tính cướp đi sinh mạng của 37.000 người.
Hiện tượng bất thường
Sức phá hủy của những vụ nổ trong thời gian xảy ra đợt phun trào này được cho là gấp 10.000 lần quả bom nguyên tử trút xuống TP Hiroshima - Nhật Bản trong Thế chiến II, đẩy những khối san hô khổng lồ nặng hàng trăm tấn vào bờ và phóng đủ tro vào khí quyển để khiến nhiệt độ toàn cầu giảm hơn 1 độ C trong suốt năm sau đó. Đợt phun trào cũng đẩy một đám tro bụi dài 27 km vào không khí, ảnh hưởng tới dạng hình thời tiết trên khắp toàn cầu trong nhiều năm, đồng thời bao trùm các khu vực xung quanh trong bóng tối suốt nhiều ngày.
Tro bụi từ vụ phun trào bao vây toàn cầu tạo nên khung cảnh bình minh và hoàng hôn kỳ quái trên khắp thế giới suốt 3 năm sau đó. Nhiều tháng sau đó, những khối đá khổng lồ và cây cối bị tro bụi phủ kín, cùng các mảnh vụn khác dạt vào bờ biển ở tận Mauritius và Úc.
Vụ phun trào núi lửa Krakatau năm 1883 gây ra những thiệt hại nặng nề Ảnh: SCIENCE ALERT
Thế giới biết tới vụ phun trào này trong vòng 24 giờ qua một bức điện báo từ Jakarta. Đây là thảm họa tự nhiên đầu tiên trên thế giới lúc đó được thông tin tới toàn cầu một cách rốt ráo như vậy. "Tôi ở trên một con tàu hơi nước đi xuống phía Tây eo biển Malacca ở tận phía Nam vào sáng 27-8 năm đó. Thuyền trưởng gọi tôi dậy để quan sát hiện tượng bất thường của bầu trời sáng lóe lên như thắp điện" - một thủy thủ chia sẻ trên báo Manchester Guardian năm 1883.
Người này kể thêm: "Đi đôi với đó là một tiếng ồn giống như của một vụ oanh tạc đang xảy ra, khiến chúng tôi tưởng rằng người Hà Lan đang có một cuộc chiến. Khi mặt trời lên, chúng tôi không còn thấy rõ những tia sáng nhưng tiếng ồn vẫn còn".
Tại Úc và vượt qua cả Ấn Độ Dương xa xôi tới Mauritius, người ta vẫn nghe thấy những tiếng nổ từ vụ phun trào. Âm thanh mạnh tới mức làm vỡ cả màng nhĩ của các thủy thủ Anh đang ở vị trí cách xa điểm phun trào tới 70 km.
"Vụ nổ được ghi nhận lên tới 172 decibel ở vị trí cách hơn 160 km. Âm thanh của nó quá khủng khiếp" - nhà nghiên cứu Aatish Bhatia chia sẻ. "Đáng sửng sốt là 5 ngày sau đó, các trạm khí tượng ở 50 thành phố trên thế giới vẫn còn ghi nhận sự tái diễn của những đợt gia tăng đột biến của áp suất xuất hiện đều đặn gần như mỗi 34 giờ. Tức là âm thanh cần nhiều thời gian đến vậy để lan tỏa đi khắp thế giới" - ông Bhatia cho biết thêm. Kết quả là mọi thiết bị ghi khí áp trên thế giới trong các dụng cụ đo thời gian lúc đó ở Paris và Washington D.C đều phát hiện sóng xung kích.
Vụ phun trào của núi lửa Krakatau thậm chí còn khơi nguồn cảm hứng cho một trong những kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng nhất của thế kỷ XIX - bức tranh "The Scream" (Tiếng thét) của họa sĩ Edvard Munch. Các nhà nghiên cứu từ Trường ĐH bang Texas (Mỹ) hồi năm 2004 ghi nhận nơi thiên tài hội họa này đứng khi ông ngắm buổi hoàng hôn kỳ vĩ (tạo cảm hứng cho bức tranh) là ở vùng đất Oslo - Na Uy vào tháng 11-1883.
Tác giả của "Tiếng thét" được cho là cảm nhận được một tiếng thét lớn, không ngớt xuyên qua tự nhiên trong khi ngắm bình minh, tạo cảm hứng cho bức tranh ra đời 10 năm sau khi núi lửa Krakatau phun trào cách đó nửa vòng trái đất.
Bình luận (0)