Năm 1998, Ấn Độ bất ngờ thử nghiệm hạt nhân khiến cả thế giới chấn động. Cuộc thử nghiệm được cho là thành công ngoạn mục đối với New Delhi nhưng lại đánh dấu một trong những thất bại tình báo tồi tệ nhất trong lịch sử của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Ngụy trang kiểu... Ấn
Sở hữu những vệ tinh vũ trụ tốn kém hàng tỉ USD, tinh vi tới mức có thể dễ dàng xem rõ giờ giấc trên chiếc đồng hồ đeo tay của bất cứ ai dưới mặt đất, thậm chí còn có cả những gián điệp cài cắm trong nội bộ chính phủ Ấn Độ nhưng cơ quan tình báo khét tiếng của Mỹ vẫn bị qua mặt một cách khó tin.
Các cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ ở Pokhran khá trơ trọi vì nằm trên một sa mạc bằng phẳng, không có các cấu trúc tự nhiên để che chắn hay đánh lừa vệ tinh do thám, ít nhất là như địa hình đồi núi tại nước láng giềng Pakistan. Chính vì vậy, chuyện bảo vệ bí mật càng khó khăn hơn bao giờ hết. Không chỉ phải né vệ tinh CIA, bí mật này còn đối mặt nguy cơ lớn từ những gián điệp ngay trong chính phủ. Đó là lý do Ấn Độ nhờ sự giúp sức của quân đội trong vụ này, cụ thể là Trung đoàn kỹ sư 58.
Khu vực dùng để chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm hạt nhân tất nhiên không thể tránh khỏi những hoạt động dễ khiến vệ tinh nghi ngờ như xe tải đi lại hay các thiết bị xây dựng đào xới… Thế nên, Ấn Độ đã tiến hành những hoạt động đáng nghi đó liên tục trong nửa năm. Đến khi cuộc thử nghiệm thực sự bắt đầu, CIA tưởng rằng mọi chuyện vẫn như thường ngày.
Cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ ở Pokhran Ảnh: REUTERS
Các nhà khoa học dân sự như ông APJ Abdul Kalam không bao giờ tới Pokhran cùng với bất cứ nhà khoa học nào khác. APJ Abdul Kalam là người đứng đầu kế hoạch mang tên Operation Shakti cùng đại tá Gopal Kaushik của quân đội Ấn Độ. Họ luôn đi một mình và mặc đồng phục quân sự. Sự ngụy trang này khiến các điệp viên nghĩ rằng họ là những sĩ quan quân đội thông thường chứ không phải nhà khoa học. Họ cũng không bao giờ di chuyển theo nhóm.
Công việc chỉ được tiến hành vào ban đêm. Những thiết bị như xe tải, máy khoan sau mỗi đêm làm việc lại trở về vị trí cũ như chưa từng có chuyện đêm qua. Toàn bộ dấu vết được dọn sạch trước bình minh. Hoạt động chuẩn bị diễn ra cực kỳ tỉ mỉ. Các đường hầm phục vụ cuộc thử nghiệm dưới lòng đất được phủ một lớp vải ngụy trang kèm dây điện, cáp và phủ lên cát lẫn cây cỏ bản địa.
Những người liên quan tới kế hoạch Operation Shakti sử dụng các mật mã chẳng theo một quy luật có ý nghĩa nào, như “Nhà Trắng”, để gọi các đường hầm này. Một số mật mã khác cũng được dùng để đánh lạc hướng như Taj Mahal hay Kumbhakaran. Tất cả sĩ quan quân sự lẫn thường dân đều có mật danh. Đội này cũng thực hiện các cuộc thử nghiệm giả. Sau mỗi lần như vậy, cơ quan tình báo Ấn Độ nghe ngóng và giữ tình trạng báo động. Tất cả thở phào nhẹ nhõm nếu không nghe thấy bất cứ dấu hiệu khả nghi nào. Họ đã giữ tình trạng báo động ấy cho tới ngày thử nghiệm thật.
Thất bại tồi tệ
Cuối cùng, đến ngày 11-5-1998, Ấn Độ chính thức nổ thử nghiệm 5 quả bom nguyên tử trong lòng đất. CIA được cho là chỉ biết chuyện sau khi ngủ dậy vào sáng hôm sau và sững sờ trước cách giữ bí mật của giới chức Ấn Độ.
Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin rằng vệ tinh do thám của Mỹ đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc Ấn Độ chuẩn bị thử hạt nhân 6 giờ trước khi vụ thử diễn ra. Thế nhưng, các nhà phân tích thông tin tình báo Mỹ phụ trách việc giám sát chương trình hạt nhân của Ấn Độ lại... vắng mặt! Sáng hôm sau, họ mới xem xét các hình ảnh vệ tinh thì vụ thử nghiệm đã diễn ra.
Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) thông tin lúc bấy giờ, nghị sĩ Richard Shelby - người sau này trở thành Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện - đã gọi đây là “một thất bại to lớn của nước Mỹ trong việc thu thập thông tin tình báo”. Cơ quan tình báo Mỹ vớt vát phần nào thể diện khi 2 tuần sau đó, họ cảnh báo rằng Pakistan cũng đang chuẩn bị thực hiện các vụ thử hạt nhân vào ngày 28-5-1998.
Trang First Post (Ấn Độ) nhận định cộng đồng tình báo Mỹ từng thất bại trong việc phát hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ nhất của Ấn Độ năm 1974. Trung tâm Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ nêu rõ: “Vụ nổ hạt nhân hòa bình của Ấn Độ” ngày 18-5-1974 khiến Mỹ bất ngờ một phần bởi cộng đồng tình báo không tìm thấy các dấu hiệu về một vụ thử nghiệm sẽ xảy ra.
Theo Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), đầu năm 1972 (tức 2 năm trước cuộc thử nghiệm), Cơ quan Tình báo và Nghiên cứu (IRN) của Bộ Ngoại giao Mỹ đã dự đoán Ấn Độ có thể chuẩn bị một cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất mà tình báo Mỹ không phát hiện được. Tuy nhiên, tài liệu của tình báo Mỹ về vụ thử nghiệm này - mới được giải mật năm 2011 - cho thấy các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Tổng thống Nixon lúc bấy giờ đặt ưu tiên tương đối thấp cho chương trình hạt nhân của Ấn Độ do đang dồn tập trung vào Nga, Trung Quốc và chiến tranh Việt Nam. Kết quả là Ấn Độ đã thử thành công vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình trên sa mạc Thar thuộc địa phận Pokhran. Đó là một quả bom phân hạch có sức nổ tương đương quả bom nguyên tử mà Mỹ đã trút xuống TP Hiroshima - Nhật Bản năm 1945.
Cuộc thử nghiệm đã đưa Ấn Độ vào câu lạc bộ hạt nhân, trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thứ sáu trên thế giới, đồng thời phá vỡ sự độc quyền hạt nhân của 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là Mỹ, Liên Xô, Anh, Trung Quốc và Pháp.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-10
Kỳ tới: Bí ẩn điệp viên vĩ đại nhất thế kỷ XX
Bình luận (0)