CHDCND Triều Tiên hôm 18-4 thông báo về vụ thử nghiệm loại "vũ khí dẫn đường chiến thuật mới có thể mang đầu đạn mạnh mẽ" dưới sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Bản tin của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA không nói rõ về loại vũ khí được thử một ngày trước đó nhưng những mô tả về nó cho thấy đây không phải là thiết bị hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa mà có thể là một hệ thống tên lửa tầm ngắn. Chính vì sự mơ hồ này, thật khó để đánh giá tác động của thông tin về vụ thử đối với tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, động thái này nhằm phát đi thông điệp đến Mỹ và Hàn Quốc sau khi hội nghị thượng đỉnh với Washington gần đây không đạt kết quả. Ông Koh Yu-hwan, chuyên gia tại Trường Đại học Dongguk (Hàn Quốc), cho rằng Bình Nhưỡng muốn nhắc nhở không được sao nhãng tình hình bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, vụ thử còn được xem là nhằm bày tỏ sự không hài lòng của Bình Nhưỡng khi Washington từ chối nới lỏng trừng phạt.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một đơn vị không quân hôm 16-4Ảnh: KCNA
Dù vậy, mức độ "khiêu khích" từ vụ thử vũ khí mới nhất của Triều Tiên là vừa đủ để không đẩy các cuộc đàm phán đang bế tắc đến gần nguy cơ sụp đổ. "Điều quan trọng trong các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ là vũ khí chiến lược, không phải vũ khí chiến thuật. Việc thử vũ khí chiến thuật không phải là hành động khiêu khích quá mạnh mẽ nhưng Triều Tiên rõ ràng đang gửi thông điệp thách thức đến Mỹ" - ông Lee Jong-Seok, chuyên gia tại Viện Sejong (Hàn Quốc), nhận định.
Sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Mỹ hồi cuối tháng 2, Triều Tiên bắt đầu thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Mỹ trong các tuyên bố của mình. Nói về vụ thử nghiệm mới nhất nói trên, ông Kim Jong-un nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống vũ khí này đối với sức mạnh chiến đấu của quân đội. Một ngày trước khi vụ thử diễn ra, KCNA đưa tin nhà lãnh đạo này bất ngờ đến thăm một đơn vị không quân, thị sát một cuộc huấn luyện phòng không và bày tỏ hài lòng về "sự sẵn sàng chiến đấu" của lực lượng này. Một số nhà phân tích nhận định đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể quay lại con đường đối đầu nếu Mỹ không sẵn sàng thỏa hiệp về vấn đề trừng phạt.
"Ông Kim Jong-un không bao giờ thực hiện những chuyến đi vô nghĩa. Ông ấy đang gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng Triều Tiên đã sẵn sàng về mặt quân sự" - ông Moon Seong-mook, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc, nói với báo The Wall Street Journal.
Chưa hết, trong động thái gia tăng sức ép lên Washington, Triều Tiên hôm 18-4 tuyên bố không hoan nghênh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới. KCNA dẫn lời ông Kwon Jong-gun, một quan chức ngoại giao Triều Tiên, cho biết Mỹ nên đưa một nhân vật khác "thận trọng và trưởng thành hơn" trong giao tiếp để tham gia thương thảo.
Ở chiều ngược lại, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 17-4 cho rằng Washington cần thêm bằng chứng Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi Tổng thống Donald Trump gặp ông Kim Jong-un lần thứ ba. Trang Bloomberg nhận định phát biểu này cho thấy ông Bolton tỏ ra bi quan hơn các quan chức cấp cao khác của chính quyền ông Trump, trong đó có Ngoại trưởng Pompeo, về ý định của Bình Nhưỡng cũng như triển vọng Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận.
Bình luận (0)