Những tiếng reo hò vang lên khi tàu ngầm H.L.Hunley trồi lên mặt nước lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ.
Không manh mối
Kể từ khi bị đắm trong một trận chiến năm 1864, chiếc tàu ngầm của Liên minh miền Nam Mỹ đã nằm dưới đáy biển gần TP Charleston, bang South Carolina đến khi gỉ sét. Sau khi trục vớt con tàu vào năm 2000, các nhà khoa học và lịch sử hy vọng có thể giải mã được nguyên nhân khiến nó chìm. Tuy nhiên, khi vào bên trong tàu, họ lại không thể tìm ra bất cứ manh mối nào.
Dù bị hàu biển bám đầy nhưng phần thân tàu sắt dài 12 m không hề hư hỏng. Bên trong, bộ xương của 8 thủy thủ vẫn ngồi đúng vị trí như trong trận chiến mà không có dấu vết bị tổn thương. Máy bơm nước đáy tàu không được kích hoạt, lỗ thông vẫn đóng. Không có dấu hiệu cho thấy các thủy thủ có ý định trốn thoát. "Trên tàu không có bất kỳ thứ gì có thể giải thích cho cái chết của họ" - bà Rachel Lance, kỹ sư y sinh học của Trường ĐH North Carolina, cho biết.
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Plos One hồi tháng rồi, bà Lance và các đồng nghiệp tiết lộ một thứ gì đó trong nước biển đã khiến tàu bị đắm. Thứ này do chính các thủy thủ tạo ra hay nói cách khác, họ đã thiệt mạng vì vũ khí của mình. Bà Lance phát hiện điều này nhờ phần lớn nghiên cứu được thực hiện trong một cái hồ.
Cần nói đôi chút về lịch sử tàu Hunley. Đây được xem là vũ khí bí mật của phe Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ vì có khả năng đánh chìm tàu đối phương khi hoạt động dưới nước. Vào ngày 17-2-1864, Hunley được bí mật đưa đến cảng Charleston, khi đó đang bị tàu U.S Housatonic của Liên bang miền Bắc Mỹ phong tỏa.
Thủy thủ tàu Hunley đã phóng một quả ngư lôi chứa đầy thuốc nổ đen về phía U.S Housatonic, đánh chìm thành công tàu đối phương. Tuy nhiên, sau đó, tàu Hunley cũng chịu chung số phận mà không rõ nguyên nhân.
Tàu H.L.Hunley Ảnh: AP
Vài năm trước đây, bí ẩn này mới bắt đầu được Lance chú ý vì bà chuyên nghiên cứu các chấn thương liên quan đến những vụ nổ dưới nước. Khi đó, nữ kỹ sư này là nhà nghiên cứu cho Hải quân Mỹ đang học lấy bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Duke và được một giáo sư gợi ý bài toán khó trên.
Theo lời bà Lance, khi một quả ngư lôi phát nổ dưới nước, nó sẽ tạo ra các sóng áp suất dội lại và đi qua cơ thể của bất kỳ ai trên đường di chuyển của chúng. Sự gia tăng áp lực đột ngột có thể ép khí ôxy ra khỏi phổi và làm vỡ các mạch máu não, khiến tỉ lệ tử vong rất cao. Những chấn thương loại này chỉ xảy ra trong mô mềm của nạn nhân, như ruột, phổi và não. Vì vậy, nếu chỉ nhìn bên ngoài, gần như không thể biết được rằng người đó đã bị thương.
Bà Lance đã nghiên cứu hàng ngàn cái chết của thủy thủ thời Thế chiến II, trong đó có những người thiệt mạng vì các vụ nổ dưới nước trong trận chiến Midway tại Thái Bình Dương. Chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên về khoảng cách an toàn cho các thợ lặn của hải quân trong việc tháo gỡ những thiết bị chưa nổ dưới đáy biển.
Ngay sau khi đọc được những mô tả về thi thể các thủy thủ tàu Hunley, bà Lance nói: "Chúng tôi nhận ra rằng những gì mà các nhà khảo cổ phát hiện chính là kiểu chấn thương giống y hệt những vết thương do vụ nổ gây ra".
Đi tìm câu trả lời
Một câu hỏi được đặt ra là các sóng áp suất xuất phát từ đâu? Câu trả lời khả thi nhất chính là từ tàu Hunley hoặc đúng hơn là từ quả ngư lôi được dùng để đánh chìm tàu U.S Housatonic. Bà Lance và các đồng nghiệp đã lắp ghép một mô hình tàu Hunley dài 183 cm dựa theo các tư liệu lịch sử và đặt tên nó là CSS Tiny.
Họ đặt nó vào một hồ nước trong khuôn viên Trường Duke rồi bơm khí nén vào vùng nước gần con tàu để mô phỏng hiệu ứng nổ của một quả bom. Các máy cảm biến đặt trên Tiny cho thấy những cơn sóng đã đánh vào đáy thân tàu rồi bị chệch hướng, tạo ra luồng sóng áp suất thứ hai dội quanh phần bên trong tàu.
Tiếp theo, họ làm một thí nghiệm sử dụng thuốc nổ đen - loại chất nổ lâu đời nhất thế giới và cũng là thành phần chính trong quả ngư lôi của tàu Hunley. Giai đoạn này được thực hiện tại một hồ nước ngoài trường để không gây tổn hại đến bất kỳ sinh viên nào.
Kết quả của lần thử nghiệm này giống cuộc thử nghiệm ban đầu khi áp suất dọc theo sống tàu lên tới 500 kg/6,4 cm2, tương đương áp suất ở độ sâu 731 m dưới nước. Bên trong con tàu, áp suất tăng vọt lên ít nhất 12,7 kg/ 6,4 cm2 sau vụ nổ, giống như khi lặn sâu gần 20 m. Mặc dù con số này nghe có vẻ không lớn nhưng vì mọi chuyện diễn ra một cách hết sức đột ngột nên sẽ gây ra chấn thương. Bà Lance và các đồng sự cho rằng có 85% khả năng thủy thủ tàu Hunley thiệt mạng vì các vấn đề về phổi do sóng áp suất gây ra. Có thể họ đã tử vong trước khi biết chuyện gì đang xảy ra.
Ông Robert Salzar, một chuyên gia sinh cơ học tại Trường ĐH Virginia, nhận định với Tạp chí Nature rằng đôi lúc chấn thương do một vụ nổ gây ra sẽ không khiến nạn nhân tử vong ngay lập tức. Thay vào đó, những sóng áp suất có thể giết chết thủy thủ đoàn một cách gián tiếp bằng cách khiến họ bất tỉnh và làm đắm tàu Hunley.
Theo bà Lance, vì không thể khám nghiệm pháp y nên việc xác định nguyên nhân chính xác 100% là điều bất khả thi. Tuy nhiên, đây là giả thuyết đầu tiên lý giải tất cả những điều kỳ lạ được các nhà khảo cổ khám phá. Ít nhất thì trong suy nghĩ của bà Lance, "bí mật đã được bật mí".
Bình luận (0)