Nhiều địa phương ở Nhật Bản và Trung Quốc đang chịu cảnh hoang vắng do dân số giảm hoặc kinh tế èo uột.
Gánh nặng không hề nhỏ
Thống kê của chính phủ Nhật Bản cho thấy nước này hiện có 8 triệu ngôi nhà không có người ở, cao hơn ở Mỹ hoặc châu Âu. Đối với những người như bà Yoriko Haneda, 77 tuổi, điều này khiến cuộc sống thêm mệt nhọc. Sau khi người hàng xóm chuyển nhà đi 10 năm trước, ngoài công việc gia đình, bà Haneda gánh thêm chuyện dọn cỏ cho nhà bên cạnh, một phần để có được tầm nhìn đẹp hướng ra biển.
Đây chỉ là một trong số hàng chục ngôi nhà bị bỏ hoang ở khu vực bà sinh sống tại TP Yokosuka, cách không xa thủ đô Tokyo. Do chủ nhà không rao bán và cũng không cho thuê nên các ngôi nhà xuống cấp nhanh chóng.
Không chỉ ở thôn quê, hiện tượng “nhà ma” lan sang cả các đô thị, điển hình là Yokosuka. Do nằm rất gần các căn cứ hải quân và nhiều nhà máy ô tô, địa phương này từng thu hút hàng chục ngàn người trẻ tuổi đến làm việc trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh sau Thế chiến thứ hai.
Thế hệ này giờ đã nghỉ hưu nhưng con cái họ không muốn thừa kế ngôi nhà của cha mẹ. “Giới trẻ ngày nay sống trong các tòa nhà cao tầng giữa trung tâm Tokyo. Đối với chúng, nhà thừa kế của gia đình không phải là một tài sản mà là gánh nặng” - chuyên gia bất động sản Tomohiko Makino giải thích với báo The New York Times.
Chính quyền Yokosuka đang tìm cách khuyến khích chủ các ngôi nhà bỏ hoang dọn dẹp và rao bán chúng trên mạng. Để thu hút người mua, chính quyền một số thị trấn còn nghĩ ra nhiều giải pháp sáng tạo, như tặng tiền mặt cho ai mua “nhà ma”.
Tuy nhiên, thị trường nhà đã qua sử dụng vẫn còn quá nhỏ trong lúc tốc độ xây nhà mới không có dấu hiệu chậm lại. Cộng với việc tỉ lệ sinh đang ở mức thấp, ông Hidetaka Yoneyama, chuyên gia về nhà ở tại Viện Nghiên cứu Fujitsu, ước tính hơn 1/4 ngôi nhà ở Nhật sẽ không có người ở trong 20 năm nữa.
Đô thị hoang vắng
Tình hình nhà bỏ hoang cũng xảy ra ở Trung Quốc. Tại tỉnh Liêu Ninh, Thẩm Phủ là một thị trấn mới, được xây dựng nhằm đón đầu dòng dân cư từ 2 thành phố công nghiệp từng có thời kỳ phát triển bùng nổ là Thẩm Dương và Phủ Thuận.
Thế nhưng trái với dự kiến, giờ Thẩm Phủ “hoang vu” với những cao ốc chọc trời, những căn hộ bỏ hoang nằm quanh một hồ nước lớn ngay tại khu trung tâm. Các tòa nhà này lẽ ra trở thành tổ hợp khách sạn, nhà hàng lộng lẫy nhưng nay trống trơn, không một bóng người.
Một anh chàng môi giới nhà đất quảng cáo rằng nhiều gia đình đã chuyển đến sinh sống tại các chung cư đang hoàn thiện bên hồ. Thế nhưng khi đêm xuống, người ta chỉ có thể bắt gặp vài khung cửa sổ sáng đèn.
Các chuyên gia nhận định việc đô thị “ma” hình thành ngày một nhiều cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính hệ thống. Nền kinh tế đang trăn trở trong quá trình chuyển đổi đầy khó khăn khiến ngành công nghiệp nặng lao đao, còn thị trường chứng khoán chao đảo.
Tại các công ty nhà nước, công nhân bị cắt giảm giờ làm, mức lương cũng giảm theo, từ ngưỡng cao nhất khoảng 780 USD/tháng của 2 năm trước xuống còn khoảng 312 USD.
Vùng Đông Bắc Trung Quốc là nơi cảm nhận rõ nét hơn cả sức ép của quá trình chuyển đổi cũng như tác động của suy thoái. “Ai cũng biết vấn đề nằm ở đâu. Mọi người đều biết phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế nhưng không ai rõ các bước đi cụ thể ra sao” - một quan chức giấu tên phụ trách chính sách tài chính ở tỉnh Liêu Ninh nói.
Bình luận (0)