Nội dung thảo luận tập trung vào những điều kiện nào được xem là dấu hiệu cho thấy tình trạng khẩn cấp y tế công được tuyên bố ngày 30-1-2020 không còn nữa.
Theo trang Bloomberg, một tuyên bố như thế sẽ không chỉ là bước đi biểu tượng mà còn tạo thêm động lực cho việc chấm dứt nhiều chính sách y tế công được ban hành trong lúc đại dịch hoành hành.
Ông David Heymann, chuyên gia dịch tễ học người Mỹ và hiện là cố vấn của WHO về các đợt bùng phát dịch, cho rằng một số liệu quan trọng đối với các quốc gia đang xem xét tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp là khả năng miễn dịch cộng đồng, nghĩa là tỉ lệ người có kháng thể sau khi mắc bệnh hoặc được tiêm chủng hoặc cả hai.
Các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 98% dân số Anh có khả năng miễn dịch, giúp ngăn nguy cơ họ bệnh nặng.
Một quán cà phê ở TP Melbourne - Úc hôm 11-3Ảnh: EPA
Tại Mỹ, mong muốn chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch Covid-19 vẫn đang là chuyện gây chia rẽ. Đầu tháng này, các thượng nghị sĩ Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ chấm dứt tình trạng khẩn cấp được ban bố vào tháng 3-2020.
Dù vậy, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Joe Biden sẽ phủ quyết dự luật nếu nhận được nó sau khi gọi hành động trên có thể là sai lầm phải trả giá. Các chuyên gia cũng nhận định hiện còn quá sớm để chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia, một phần vì quyết định này có thể ảnh hưởng đến nhiều chính sách và biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Mỹ lúc này.
Thế giới đã ghi nhận thêm 10 triệu ca mắc và 52.000 ca tử vong do Covid-19 trong tuần rồi, theo WHO. Trong bối cảnh như thế, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn nỗ lực dần trở lại cuộc sống bình thường bằng một loạt động thái như nới lỏng quy định đeo khẩu trang và cách ly, mở cửa đón du khách…
Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 12-3 cho biết giới lãnh đạo nước này muốn chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19 và xem nó như bệnh cúm. Bên cạnh đó, ông Morrison cũng cho biết giới lãnh đạo Úc muốn bỏ yêu cầu cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 vì cho rằng quy định này đang khiến nhiều cơ sở kinh doanh thiếu nhân lực. Tuy nhiên, Thủ tướng Úc cho biết sẽ tham vấn với hội đồng chuyên gia về 2 vấn đề nói trên.
Điều đáng lo là một số quốc gia ở châu Á lại đang chứng kiến số ca nhiễm tăng cao kỷ lục. Ngày 12-3, Trung Quốc thông báo hơn 1.500 ca mắc mới trong cộng đồng. Đây là con số cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này vào đầu năm 2020. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết thêm có 1.048 ca mắc Covid-19 không triệu chứng nhưng những trường hợp này không được tính là ca bệnh.
Chứng kiến số ca mắc biến thể Omicron tăng mạnh, một số thành phố đã siết chặt các biện pháp phòng dịch như hủy bỏ sự kiện đông người, tiến hành xét nghiệm diện rộng và giảm buổi học trực tiếp.
Bình luận (0)