Phát biểu tại buổi họp báo ở TP Geneva - Thụy Sĩ, bà Benedetta Allegranzi, chuyên gia của WHO, khẳng định đang xuất hiện một số bằng chứng về khả năng lây nhiễm qua không khí của virus corona, đặc biệt là trong những điều kiện rất cụ thể, đông đúc, chật chội và kém thông thoáng.
Dù vậy, chuyên gia này nhấn mạnh cần thu thập và phân tích thêm bằng chứng để đưa ra kết luận về rủi ro này. Nếu bằng chứng trên được xác nhận, theo đài BBC, nó có thể ảnh hưởng đến hướng dẫn chống dịch đối với không gian trong nhà.
Lực lượng cứu hỏa chuẩn bị tiến vào một tòa nhà bị phong tỏa vì Covid-19 ở TP Melbourne – Úc hôm 8-7 Ảnh: REUTERS
Trong suốt nhiều tháng, WHO khẳng định virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây qua những giọt nhỏ bắn ra từ mũi hoặc miệng của người nhiễm sau khi họ hắt hơi hoặc ho. Những hạt nhỏ này không lơ lửng trong không khí mà nhanh chóng lắng xuống bề mặt. Vì thế, rửa tay được xác định là biện pháp phòng dịch chính.
Dù vậy, nhóm khoa học trên khẳng định có bằng chứng thuyết phục cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây lan trong không khí, thông qua những hạt nhỏ hơn rất nhiều có thể lơ lửng trên không vài giờ sau khi bắn ra từ người nhiễm.
Trong lúc này, Melbourne, thủ phủ bang Victoria và là thành phố lớn thứ hai của Úc, đang trả giá đắt vì những sai lầm trong việc tiếp nhận công dân trở về từ nước ngoài cùng với sự tự mãn của một số khu dân cư. Hậu quả là 5 triệu cư dân tại đó sẽ đối mặt lại với các biện pháp phong tỏa bắt đầu từ ngày 8-7 sau khi số ca Covid-19 mới tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews thừa nhận kinh tế và cuộc sống người dân địa phương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi họ buộc phải ở nhà trong 6 tuần tới, trừ trường hợp đi làm, đi học, mua thực phẩm hoặc khám sức khỏe. Trong khi đó, theo Reuters, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho rằng nước này cần làm chậm quá trình hồi hương của công dân đang ở nước ngoài.
Bình luận (0)