"Ủy ban Cố vấn Toàn cầu về An toàn Vắc-xin của WHO đang đánh giá kỹ lưỡng dữ liệu an toàn mới nhất của vắc-xin Oxford-AstraZeneca" - WHO cho biết, đồng thời nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, họ tin lợi ích của sản phẩm này cao hơn so với rủi ro. Cũng theo WHO, trong chiến dịch phủ sóng vắc-xin diện rộng, việc các nước báo cáo về "những sự kiện bất lợi tiềm ẩn sau khi tiêm chủng" không phải là điều bất thường, song "điều này không có nghĩa là chúng liên quan đến vắc-xin".
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke cho biết cơ quan này đã thực hiện một cuộc điều tra kỹ lưỡng dựa trên cơ sở khoa học, với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực đông máu. EMA trước đó cũng đã khẳng định rằng không có dấu hiệu cho thấy vắc-xin Oxford-AstraZeneca gây ra vấn đề nghiêm trọng" và tỉ lệ đông máu ở nhóm tiêm vắc-xin giống với tỉ lệ ở nhóm dân số chung không tiêm chủng. Nói cách khác, vắc-xin Oxford-AstraZeneca không liên quan đến hiện tượng đông máu.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin Oxford-AstraZeneca tại khu vực Bierset - Bỉ hôm 17-3 Ảnh: REUTERS
Một số quốc gia đang tạm ngưng chương trình tiêm vắc-xin Oxford-AstraZeneca sau khi xuất hiện báo cáo về tình trạng đông máu ở hàng chục người trong tổng số 17 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi tại châu Âu. Bản thân Công ty AstraZeneca cũng đã khẳng định rằng sau khi xem xét cẩn thận dữ liệu tiêm chủng Covid-19, họ không phát hiện bất cứ bằng chứng nào cho thấy rủi ro đông máu gia tăng ở các nhóm hay giới tính khác nhau.
Bất chấp tranh cãi trên, giới chức Ấn Độ hôm 17-3 tuyên bố vẫn tin tưởng vắc-xin Oxford-AstraZeneca giữa lúc số ca nhiễm mới hằng ngày đạt mức cao nhất trong 3 tháng qua. Ông Vinod Kumar Paul - người đứng đầu ủy ban vắc-xin của chính phủ Ấn Độ, nhấn mạnh chương trình tiêm vắc-xin Oxford-AstraZeneca tại quốc gia của ông vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng Covid-19 vào giữa tháng 1, theo Reuters, Ấn Độ đã triển khai được 36 triệu mũi tiêm, chủ yếu là vắc-xin Oxford-AstraZeneca.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đang trên đà hoàn thành mục tiêu 100 triệu mũi tiêm vắc-xin Covid-19 sớm hơn 1 tháng so với thời gian dự kiến là 100 ngày đầu nắm quyền. Theo thống kê, ít nhất 98 triệu người được tiêm chủng kể từ sau khi ông Biden nhậm chức. Tốc độ tiêm chủng đã được đẩy lên gần 2,5 triệu mũi/ngày vào tuần rồi, cho phép ông Biden hoàn thành cam kết 100 triệu mũi tiêm trong ngày 18 hoặc 19-3.
Với tốc độ tiêm phòng đang ngày một tăng, ông chủ Nhà Trắng thậm chí có thể chinh phục cột mốc 200 triệu mũi tiêm trong 100 ngày đầu nắm quyền. Bên cạnh gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỉ USD, thành tựu nói trên được xem là một thắng lợi chính trị quan trọng khác dành cho Tổng thống Biden, người cam kết ưu tiên chống dịch và phục hồi kinh tế ngay khi vào Nhà Trắng.
Bình luận (0)