xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ

PHAN ĐĂNG (Thông tín viên Báo Người Lao Động từ Washington)

Lãnh đạo 2 nước tin tưởng đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích 2 nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới

img
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama tại Nhà trắng - Ảnh: Pete Souza

Hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống (TT) Mỹ Barack Obama đã diễn ra vào trưa 25-7 tại Nhà Trắng (giờ Mỹ). TT Obama hoan nghênh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao nhà nước Việt Nam tới thăm chính thức Mỹ, khẳng định coi trọng quan hệ Việt Nam - Mỹ và vai trò của Việt Nam tại khu vực, mong muốn quan hệ giữa 2 nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. TT Obama khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tổng thể chiến lược chung của Mỹ, trong đó có vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang định hình cũng như các cơ chế hợp tác tiểu khu vực; mong muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN cũng như các đối tác khác của Mỹ tại Đông Bắc Á...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn TT Obama đã mời đến thăm chính thức Mỹ, khẳng định Việt Nam hoan nghênh Mỹ tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ 2 nước thời gian qua đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, cả bình diện song phương và đa phương, tạo nền tảng cho quan hệ bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Trên cơ sở đó, 2 nhà lãnh đạo đã quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ tạo ra khuôn khổ mới cho quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường và y tế, hợp tác nhân đạo - giải quyết hậu quả chiến tranh, quốc phòng - an ninh, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và văn hóa - thể thao - du lịch... Hai nhà lãnh đạo tin tưởng đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn lợi ích 2 nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

img
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp các thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Ảnh: TTXVN

Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ 2 nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thiết lập các cơ chế hợp tác mới hoặc nâng cấp các cơ chế hiện có. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ giữa 2 bộ trưởng ngoại giao. Hai bên nhấn mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là nền tảng và động lực của đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ, khẳng định cam kết hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào thời điểm sớm nhất có thể trong năm, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của mỗi nước trong khuôn khổ một hiệp định cân bằng và toàn diện.

TT Obama hoan nghênh những thành tựu đổi mới kinh tế của Việt Nam, nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư thông qua khuôn khổ Hội đồng TIFA, cũng như Sáng kiến Tăng cường liên kết kinh tế ASEAN (E3) và APEC; ghi nhận quan tâm của Việt Nam về việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ không gian và nghiên cứu biển. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực song phương khác như giáo dục, quốc phòng - an ninh, hợp tác nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh… cũng như tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như APEC, ARF, EAS, ADMM+...
 
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định ủng hộ giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trên biển và lãnh thổ. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh giá trị của việc tuân thủ đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc và tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hữu hiệu trên biển Đông.

Hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề quyền con người; nhất trí tiếp tục thông qua đối thoại xây dựng và tôn trọng lẫn nhau để tăng cường hiểu biết, giảm thiểu khác biệt, không để vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa 2 nước.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời TT Obama và phu nhân thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thích hợp và TT Obama đã vui vẻ nhận lời.

Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và TT Obama đã có cuộc gặp gỡ báo chí. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn Đại biểu cấp cao nhà nước Việt Nam đã tham dự tiệc chiêu đãi của Chính phủ Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry chủ trì với sự tham dự của hơn 100 khách mời gồm các thành viên nội các, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.

Trong bài phát biểu chào mừng, Ngoại trưởng John Kerry đã nhắc lại kỷ niệm gắn bó với Việt Nam từ thời chiến tranh, quá trình bình thường hóa quan hệ 2 nước. Ngoại trưởng khẳng định Chính phủ Mỹ coi trọng và mong muốn quan hệ 2 nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới thông qua các cơ chế hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng khá và đã đạt trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam coi trọng và xem Mỹ là một đối tác quan trọng hàng đầu. Quan hệ 2 nước đã đạt được những bước tiến tích cực thời gian qua trên cơ sở khuôn khổ quan hệ đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Chủ tịch nước cũng cho rằng thông qua các cuộc đối thoại, Mỹ và Việt Nam sẽ hiểu nhau hơn, nhất là về cách tiếp cận cũng như những đặc thù về văn hóa, lịch sử của mỗi bên. Việt Nam luôn nỗ lực để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phấn đấu để người dân được hưởng những thành quả tốt đẹp nhất của công cuộc đổi mới.

Chủ tịch nước khẳng định 2 nước đang đứng trước những cơ hội để đưa quan hệ song phương sang giai đoạn phát triển mới.

Chiều và tối 24-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có các cuộc gặp với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, dự tọa đàm bàn tròn và chiêu đãi của các doanh nghiệp Mỹ.

"Một sự kiện lịch sử"...

Chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Mỹ lần thứ hai kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu là cơ hội tốt để thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt lên tầm cao mới. Đây là nhận định của ông Andrew Billo, trợ lý Giám đốc Chương trình Chính sách thuộc Tổ chức Nghiên cứu châu Á (The Asia Society) có trụ sở tại New York, khi trả lời TTXVN tại Liên Hiệp Quốc ngày 24-7.

Về Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), một nội dung chính được thảo luận trong chuyến thăm, ông Andrew cho rằng đây là cơ hội tốt cho Mỹ và Việt Nam thể chế hóa hơn nữa việc hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Mỹ đã là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và TPP sẽ giúp tạo cơ hội thuận lợi hơn cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Trong khi đó, theo báo The Financial Times (Anh), vào thời điểm chính quyền Mỹ đang bị áp lực bởi những đòi hỏi khác nhau ở Trung Đông, bao gồm cuộc chiến Syria, cuộc đảo chính ở Ai Cập và các cuộc đàm phán hòa bình Israel - Palestine, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một cơ hội để đặt trọng tâm vào điều mà ông Barack Obama đã báo hiệu như một trong những ưu tiên của nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Báo The Bangkok Post (Thái Lan) cho rằng chuyến công du đầu tiên của ông Trương Tấn Sang đến Washington sẽ tạo nền tảng cho các nhà lãnh đạo tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa 2 nước. Trong phạm vi ASEAN, Bangkok Post nhận định Việt Nam, xuất phát từ vị trí của mình, có thể là quốc gia tập trung nhất vào sự cân bằng địa chính trị, trở thành một trong những nước đề xuất hiệu quả nhất việc tăng cường các mối quan hệ trong khu vực; đồng thời, chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam tạo thời cơ cho cả 2 phía cân chỉnh lại quan hệ song phương. Tờ báo mô tả phạm vi thảo luận là toàn diện, bao trùm các quan hệ kinh tế và thương mại, những vấn đề chính trị và an ninh cũng như quan hệ giữa nhân dân 2 nước.

Ông Danny Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, được báo South China Morning Post (Hồng Kông) trích lời cho rằng Đông Nam Á “có lẽ là khu vực đầy sức sống và năng động nhất của chúng ta” ở châu Á, thậm chí trên thế giới. Ông đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang “đúng là một sự kiện lịch sử”.
Cao Tuấn
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo