Theo báo Yomiuri, trong thỏa thuận đối tác được ký vào tháng trước giữa chính quyền tỉnh Osaka và SkyDrive, địa điểm cất và hạ cánh sẽ được đặt tại khu vực Tempozan thuộc quận Minato của Osaka, cách địa điểm tổ chức Expo (Yumeshima) khoảng 5 km.
Loại xe bay được sử dụng có 2 chỗ ngồi và để tránh sự cố, giới chức Nhật Bản đang cân nhắc yêu cầu phải có phi công trên xe thay vì tự động hoàn toàn.
Là công ty khởi nghiệp ở Tokyo, SkyDrive được thành lập năm 2018 bởi các cựu nhân viên tập đoàn Toyota. Họ đặt mục tiêu kinh doanh xe bay vào năm 2025. Cùng mục tiêu, Công ty Volocopter của Đức cũng xem Expo 2025 là cơ hội.
Trong cuộc họp hồi tháng 5 với chính phủ Nhật Bản, Volocopter giới thiệu ý tưởng dùng xe bay chinh phục đoạn đường 30 km từ sân bay Kansai đến Yumeshima trong khoảng 21 phút và 15 km từ sân bay Kobe đến Yumeshima trong 11 phút.
Tỉnh trưởng Osaka Hirofumi Yoshimura (trái), Thị trưởng TP Osaka Ichiro Matsui (phải) và giám đốc điều hành SkyDrive Tomohiro Fukuzawa tại lễ ký thỏa thuận đối tác hồi tháng 9-2021 Ảnh: SkyDrive
Theo SkyDrive, hiện có khoảng 400 dự án xe bay trên khắp thế giới, với mục đích sử dụng từ phục vụ giải trí đến vận chuyển nạn nhân thảm họa. Loại xe bay đang được phát triển phổ biến nhất là loại lớn hơn các thiết bị bay không người lái (drone) dùng cánh quạt điện để bay lên không trung.
Do xe bay có ít bộ phận hơn trực thăng nên cũng tốn ít chi phí bảo trì hơn. Hệ điều hành tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo và các cảm biến nên cũng không cần phi công. Thêm một ưu điểm là xe bay đỡ ồn ào hơn và có thể cất/hạ cánh trên nhiều địa hình hơn trực thăng.
Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) ước tính thị trường xe bay toàn cầu sẽ trị giá 1.500 tỉ USD vào năm 2040. Dù vậy, chưa rõ bao giờ xe bay thực sự được tích hợp vào giao thông hằng ngày.
Để chạm đến cột mốc này, vẫn còn nhiều trở ngại cần giải quyết, bao gồm cách hoạt động trong một không gian không có làn đường, đèn hiệu… như đường bộ, tránh dẫn đến nguy cơ va chạm với các trực thăng, drone...
Bình luận (0)