Thứ sáu, 17-3, là ngày người dân Brazil hay tổ chức thưởng thức món thịt nướng churrasco nhân dịp cuối tuần. Thế mà năm nay, người ta vừa ăn vừa lo. Sau 2 năm điều tra tham nhũng liên quan đến thịt kém chất lượng tuồn ra thị trường trong và ngoài nước, cảnh sát liên bang công bố kết quả sơ bộ vụ bê bối chưa từng thấy trong ngành chế biến thịt Brazil - quốc gia xuất khẩu thịt bò, heo và gà đông lạnh lớn nhất thế giới.
Mánh lới đa dạng
Cảnh sát liên bang cho biết trong chiến dịch “Carne fraca” (thịt kém chất lượng) với sự tham gia của 1.100 cảnh sát, sơ bộ đã có 33 nhân viên công ty và thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Nông nghiệp Brazil bị bắt vì tình nghi đưa và nhận hối lộ. 194 lệnh truy nã đã được công bố với hầu hết là viên chức nhà nước can tội ăn hối lộ, làm giả chứng từ xuất khẩu, bỏ qua khâu kiểm tra chất lượng thịt và 77 cuộc thẩm vấn đã được tiến hành.
Cảnh sát cũng đã kiểm tra 33 cơ sở chế biến thịt bò và gà, trong đó có các cơ sở đóng gói thịt thành phẩm của 2 công ty lớn nhất Brazil là JBS và BRF. Hai nhân viên JBS và 3 nhân viên BRF tình nghi nằm trong đường dây tham nhũng đã bị câu lưu để xét hỏi trong ngày 17-3.
Cuộc họp báo ngày 17-3 của cảnh sát liên bang được tổ chức tại Curitiba, một thành phố lớn có 1,6 triệu dân ở miền Nam bang Parana. Cũng tại thành phố này, cách đây 3 năm, cảnh sát liên bang đã phá một đường dây tham nhũng lớn ở Petrobras, công ty dầu mỏ Brazil, trong chiến dịch mang tên Lava Jato (rửa xe).
Gần 100 viên chức công ty nêu trên, bao gồm nhiều cán bộ quản lý cao cấp, can tội tham nhũng bằng cách cho phép nhà thầu xây dựng kê hóa đơn thanh toán thu chênh lệch gần 9 tỉ USD. Số tiền này đã bị ngăn chặn trong quá trình rửa tiền. Một số chính khách có máu mặt như Chủ tịch Hạ viện, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản, cựu Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Lula, cựu Tổng thống de Mello đã bị bắt hoặc điều tra nhận hối lộ.
Chiến dịch “Carne fraca” lần này - được báo chí mô tả là lớn nhất từ trước tới giờ - cũng xuất phát từ Curitiba sau khi cảnh sát thu thập được nhiều chứng cứ, trong đó có băng ghi âm cho biết thanh tra ATTP đã bị các công ty mua chuộc như thế nào. Trong cuộc họp báo ở Curitiba, cảnh sát điều tra cho biết một số lượng không nhỏ thịt kém chất lượng và pha tạp đã được bán cho các bếp ăn trường công lập và siêu thị - bao gồm cả chuỗi siêu thị Valmart lừng danh của Mỹ.
Mánh lới của các công ty rất đa dạng: Thay nhãn ghi hạn sử dụng; chế biến, đóng gói lại những lô hàng thịt cũ. Đáng chú ý, trong số này có xúc xích nhiễm khuẩn salmonella và thịt bò băm vị phô mai độn giò thủ. Thay vì đùi gà thật, người ta làm đùi gà “nhân” đậu nành ướp phụ gia gây ung thư. Khi thịt bò bốc mùi hôi, người ta đã dùng axít để tẩy mùi. Khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cảnh sát nói có 3 tàu hàng chở thịt nghi kém chất lượng của JBS đang trên đường tới Ý và Tây Ban Nha.
Người dân Brazil hết sức bàng hoàng khi nghe được tin này. Cả nước vừa trải qua cơn rúng động với những vụ tham nhũng len lỏi tận cấp lãnh đạo cao nhất nhà nước. Nay, với vụ bê bối thịt kém chất lượng, một lần nữa doanh nghiệp và chính khách làm hoen ố hình ảnh ngành chế biến được xếp hàng đầu thế giới. Năm ngoái, Brazil đã xuất khẩu 6,9 tỉ USD thịt gà (40% sản lượng toàn cầu) và 5,5 tỉ USD thịt bò đông lạnh (20% sản lượng toàn cầu).
Giấu đầu lòi đuôi
Trong phản ứng đầu tiên, ABIEC (Hiệp hội Xuất khẩu thịt Brazil) khẳng định: “Không có công ty chế biến thịt nào trong số 29 thành viên hiệp hội bị nêu tên trong chiến dịch điều tra. Những trường hợp liên quan là cá biệt và không mang tính đại diện cho ngành sản xuất thịt của Brazil”.
ABIEC lờ đi vai trò của thành viên JBS - công ty đóng gói thịt (bò và heo) đông lạnh lớn nhất thế giới. Bộ Nông nghiệp cũng nói cứng: “Công tác thanh tra ATTP của Brazil hiệu quả và nghiêm ngặt nhất thế giới”.
Hai “anh cả” BRF và JBS đồng thanh lên tiếng “không làm gì sai trái”. Trong một thông cáo báo chí, BRF, nhà xuất khẩu thịt gà đông lạnh lớn nhất thế giới, quả quyết: “Sản phẩm của chúng tôi đạt mọi tiêu chuẩn quốc gia. Dây chuyền sản xuất của công ty được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt và không thực hiện bất cứ hành vi phi pháp nào”.
BRF cũng cho biết đã tăng cường khâu kiểm tra chất lượng. Đặc biệt, BRF đã thành lập một bộ phận liên kết với một công ty độc lập xuất chứng từ bảo đảm sản phẩm của mình tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc tế.
JBS cũng khẳng định không có lãnh đạo nào của công ty bị điều tra. Trụ sở công ty cũng không nằm trong danh sách cơ sở bị khám xét. JBS cam kết bảo đảm mọi tiêu chuẩn quốc tế và ủng hộ việc trừng phạt bất cứ ai không tôn trọng quy định quốc gia.
JBS xác nhận có 2 nhân viên bị điều tra nhưng phủ nhận vai trò chiến lược của họ trong khâu kiểm tra chất lượng. Tuy vậy, tuần qua, JBS đã phải đóng cửa tạm thời 33 trong số 36 cơ sở đóng gói thịt của mình trên toàn lãnh thổ Brazil, theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Ít người biết rằng với vị thế “ngoại hạng”, JBS và BRF được phép chọn thanh tra ATTP, cũng đồng nghĩa với “người có thể mua chuộc” - thường là bằng tiền mặt nhưng cũng có trường hợp bằng sản phẩm cao cấp thứ thiệt của công ty. Họ cũng không ngại dùng “thế lực ngầm” để chuyển công tác các thanh tra viên được cho là “cứng đầu”. JBS và BRF không ngờ, có một viên thanh tra không những “cứng đầu” mà còn cả gan tố cáo họ làm ăn gian dối.
Bắt tận tay, day tận mặt
Thẩm phán liên bang Marcos Silva cho biết trong tay ông có ít nhất 2 cuộn băng ghi âm bằng chứng tham nhũng.
Cuốn băng thứ nhất ghi lại cuộc bàn luận nội bộ BRF ngày 13-3, dưới sự chủ trì của giám đốc điều hành công ty, về việc nhờ thanh tra y tế gỡ rối - tất nhiên là bằng tiền tươi - sau khi 4 container thịt kém chất lượng của một nhà máy đóng gói thuộc BRF ở bang Goias, miền Trung Brazil, bị phát hiện khi đưa lên tàu xuất khẩu. Trong cuộn băng thứ hai, giám đốc ngoại vụ BRF bàn cách hối lộ thanh tra y tế để họ bỏ qua việc thi hành lệnh đóng cửa nhà máy vừa nêu.
Kỳ tới: Daniel Teixeira, kẻ nổi loạn
Bình luận (0)