Trong bài bình luận đăng trên báo South China Morning Post, cây bút Peter Kammerer chỉ ra khoảng 80% trong số gần 61 triệu người đến Hồng Kông hồi năm ngoái là người Trung Quốc đại lục và phần lớn họ đi du lịch trong ngày theo đoàn.
Họ không hứng thú tham quan, còn hướng dẫn viên chỉ dẫn họ đến các cửa hàng và nhà hàng cụ thể để ăn hoa hồng. Do đó, họ không đem lại lợi ích diện rộng trong khi dân địa phương phải chịu đựng cảnh phố xá đông đúc, phương tiện giao thông "bị chiếm chỗ", giá thuê nhà cũng như lượng rác thải tăng nhanh.
Để cân bằng, ông Kammerer cho rằng chính quyền Hồng Kông nên áp thuế du lịch 100 HKD/du khách tại các cửa khẩu. Doanh thu từ du lịch có thể chia lại cho hơn 6,2 triệu người Hồng Kông trưởng thành và khoản "cổ tức" này được ông Kammerer đề xuất là 10.000 HKD/người.
Du khách Trung Quốc chờ đến lượt chụp ảnh tại khu vực Sai Wan, Hồng Kông vào cuối năm 2018 Ảnh: SCMP
Dĩ nhiên, trong xu hướng du lịch giá rẻ hiện nay, không chỉ Hồng Kông "quay cuồng" với tình trạng quá tải du khách. Các thành phố lớn như Venice (Ý), Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Barcelona (Tây Ban Nha)... cũng chịu chung số phận. Mới đây, Venice được chính phủ Ý cho phép thu "phí vào cửa" tối đa 10 euro/người (tương đương 264.000 đồng) đối với du khách tham quan ngắn hạn, đặc biệt nhắm vào du khách tới trên tàu du lịch.
Người dân Venice lâu nay phàn nàn về tình trạng du khách ồ ạt đổ xô đến, làm hư hại di tích thành phố. Hàng trăm tàu du lịch neo đậu tại đây hằng năm với lượng khách lên đến hơn 1 triệu người. Thị trưởng Venice, ông Luigi Brugnaro, cho biết khoản "thuế hạ cánh" nêu trên - dự kiến đạt khoảng 50 triệu euro/năm - sẽ dùng để làm vệ sinh thành phố. Theo báo Guardian (Anh), mỗi du khách đóng tối thiểu 2,5-5 euro và đến mùa cao điểm có thể đóng 10 euro/người.
Trong khi đó, Nhật Bản sẽ thu "thuế cất cánh" kể từ ngày 7-1 tới. Tất cả hành khách bất kể quốc tịch rời khỏi Nhật Bản bằng máy bay hay tàu đều phải trả 1.000 yen/người (khoảng 216.000 đồng/người), trừ trẻ em dưới 2 tuổi và hành khách quá cảnh.
Theo tờ Japan Today, số tiền thu được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ nhằm phục vụ số lượng khách quốc tế đến đây ngày một gia tăng. Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cũng cho biết một phần tiền thuế thu được - ước tính là 6 tỉ yen từ nay đến tháng 3-2020 - được dùng để áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Bình luận (0)