Hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới đã bắt đầu chương trình tiêm phòng vắc-xin Covid-19 với tỉ lệ được tiêm không đồng đều. Tại những quốc gia giàu có như Anh và Mỹ, nơi có khả năng sản xuất vắc-xin trong nước và ký được thỏa thuận với các nhà sản xuất từ sớm, chương trình tiêm phòng đang diễn ra thuận lợi.
Yếu tố then chốt
Tính đến ngày 4-5, Mỹ đã tiêm được hơn 247,7 triệu liều trong khi con số này ở Anh là 50,3 triệu. Một trong những yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt trong tốc độ phủ sóng vắc-xin là khả năng bảo đảm nguồn cung.
Tại Mỹ, từ tháng 5-2020, chính phủ đã bắt đầu "Operation Warp Speed" (tạm dịch: Chiến dịch Thần tốc) - chương trình quốc gia nhằm phát triển, sản xuất và phân phối thần tốc vắc-xin Covid-19 với sự tham gia của nhiều cơ quan liên bang, như Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) bên cạnh khối tư nhân.
Chưa hết, chính phủ Mỹ còn kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA), cho phép họ kiểm soát lĩnh vực công nghiệp tư nhân nhằm thúc đẩy sản xuất những vật liệu được đánh giá là cần thiết đối với quốc phòng.
Cùng lúc, họ đạt được thỏa thuận mua khoảng 300 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Công ty AstraZeneca (Anh), 3 tháng trước khi ký hợp đồng với Công ty Moderna (Mỹ) vào tháng 8-2020 để sản xuất và bàn giao hơn 100 triệu liều trong lúc vắc-xin này vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng.
Mỹ đang dần trở lại trạng thái bình thường nhờ thành công của chiến dịch tiêm phòng Covid-19 Ảnh: REUTERS
Đến tháng 12-2020, chính phủ Mỹ đặt thêm 100 triệu liều vắc-xin của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), bên cạnh 100 triệu liều trước đó. Vào tháng 2-2021, HHS tiếp tục thông báo thỏa thuận mua 100 triệu liều vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna, nâng tổng số vắc-xin đặt mua từ 2 hãng dược này lên 600 triệu liều. Theo cổng thông tin Factly (Ấn Độ), Mỹ sẽ có đủ vắc-xin để tiêm phòng đầy đủ cho toàn bộ dân số trưởng thành đến tháng 7-2021.
Trong khi đó, Anh là quốc gia đầu tiên cấp phép sử dụng khẩn cấp cho một loại vắc-xin Covid-19, cụ thể là vắc-xin Pfizer-BioNTech, vào đầu tháng 12-2020. Vắc-xin AstraZeneca và Moderna lần lượt được cấp phép trong 1 tháng sau đó. Ngay từ tháng 6-2020, Anh đã ký hợp đồng mua 100 triệu liều AstraZeneca trong khi sản phẩm này còn đang được phát triển.
Đến tháng 7-2020, Anh tiếp tục công bố hợp đồng mua 30 triệu liều Pfizer-BioNTech, trước khi nâng lên thành 40 triệu liều vào tháng 10-2020. Kể từ tháng 5-2020, quốc gia này đã đạt được thỏa thuận với nhiều nhà sản xuất khác nhau để đặt mua tổng cộng 400 triệu liều, trong khi dân số của họ chỉ khoảng 66,6 triệu người.
"Nhà giàu" châu Á tăng tốc
Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng vào tháng rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo thỏa thuận hợp tác vắc-xin song phương nhằm mở rộng sản xuất và quy mô cung ứng toàn cầu. "Chúng tôi sẽ củng cố năng lực chống Covid-19 và khả năng ứng phó các mối đe dọa sinh học trong tương lai" - Tổng thống Biden tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Moon.
Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 nhưng đến nay mới tiêm phòng được khoảng 3% trên tổng số 52 triệu dân. Trong khuôn khổ của thỏa thuận nêu trên, Mỹ sẽ giúp Hàn Quốc đạt mục tiêu này bằng nhiều giải pháp, bao gồm cung cấp vắc-xin cho 550.000 binh sĩ Hàn Quốc sát cánh cùng các lực lượng Mỹ trong khu vực.
Người lớn tuổi được tiêm phòng Covid-19 tại TP Osaka – Nhật Bản hôm 24-5. Ảnh: REUTERS
Sau cuộc hội đàm nêu trên, 2 hãng dược Mỹ Moderna và Novavax thông báo sẽ sản xuất vắc-xin Covid-19 tại Hàn Quốc theo thỏa thuận với chính phủ nước này. Cụ thể, vắc-xin của Moderna và Novavax sẽ được sản xuất lần lượt tại nhà máy của 2 Công ty Samsung Biologics và SK Biologics.
Đây là những bước đi mới nhằm giúp Hàn Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm sản xuất vắc-xin toàn cầu. Trước đó, quá trình sản xuất vắc-xin Covid-19 của các hãng AstraZeneca và Sputnik V (Nga) đã được bắt đầu tại quốc gia Đông Á này.
Tại Nhật Bản, giới chức các bộ và tổ chức nghiên cứu liên quan đã trình lên chính phủ chiến lược dài hạn nhằm phát triển và sản xuất vắc-xin nội địa. Họ kêu gọi chính phủ thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển hàng đầu, cũng như lập kế hoạch phân phối quỹ nghiên cứu và mở rộng mạng lưới phục vụ nghiên cứu lâm sàng trên khắp châu Á.
Họ còn đề xuất chính phủ cân nhắc mua vắc-xin do các công ty tư nhân phát triển trong trường hợp dịch bệnh mới bùng phát. Theo đài NHK, chính quyền Thủ tướng Suga Yoshihide đặt mục tiêu phê chuẩn một chiến lược dài hạn dựa trên những đề xuất này trong cuộc họp nội các sắp tới. Bộ trưởng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Inoue Shinji tuần rồi nhấn mạnh phát triển vắc-xin nội địa là một vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia và sức khỏe của người dân nước này.
Xu hướng đáng ngại
Mặc dù có tỉ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới, một số quốc gia vẫn chật vật trong cuộc chiến chống Covid-19. Tương tự Bahrain và Maldives, Uruguay có số ca tử vong bình quân đầu người hàng đầu thế giới trong nhiều tuần, bất chấp thành công của chiến dịch tiêm chủng.
Theo báo The New York Times (Mỹ), Uruguay - một quốc gia nhỏ với dân số khoảng 3,5 triệu người - ghi nhận mức tăng trung bình 55 ca tử vong/ngày trong tuần kết thúc vào ngày 27-5, tương đương khoảng 1,6 trường hợp tử vong/100.000 người, một số liệu gần như không thay đổi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào tháng 4. Tỉ lệ này ở Bahrain và Maldives lần lượt là 0,9 và 1/100.000 người, cao hơn rất nhiều so với Mỹ (0,15) và Ấn Độ (0,29) trong phần lớn tháng 5. Những quốc gia khác như Chile và Seychelles cũng có tỉ lệ mắc Covid-19 hàng đầu thế giới mặc dù tỉ lệ tiêm phòng của họ đều cao hơn Mỹ.
Ủy viên Y tế cộng đồng Seychelles, ông Jude Gedeon, khẳng định dịch bệnh hoành hành một phần vì chính phủ gỡ bỏ phong tỏa quá sớm, khiến người dân chủ quan và không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Biến thể mới và mức độ hiệu quả của vắc-xin cũng có thể là yếu tố khiến đại dịch bùng phát, giới chuyên gia khẳng định, đồng thời cho biết nhiều nước có tỉ lệ tiêm phòng cao chủ yếu sử dụng vắc-xin của Trung Quốc.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-6
Bình luận (0)