Hồi tháng 3 vừa qua, thi thể một cụ ông 85 tuổi được tìm thấy trong một căn hộ tại trung tâm thủ đô Tokyo - Nhật Bản. Điều đáng nói là ông đã qua đời 1 tháng trước mà không ai hay biết.
Những người hàng xóm không hề chú ý sự vắng mặt này, một phần bởi chẳng có người thân nào của ông lai vãng trong khi tiền thuê nhà vẫn được ngân hàng thanh toán đúng hạn. Chỉ đến khi mùi hôi thối lan xuống căn hộ tầng dưới, người ta mới phát hiện thi thể ông trên sàn nhà. Chủ căn hộ bên dưới, một cụ bà 77 tuổi tên Yoshie Fukukara, bàng hoàng: “Tôi không thể tin nổi chuyện như thế xảy ra tại đây”.
Nhóm của anh Hirotsugu Masuda dọn dẹp căn hộ nơi một cụ ông 85 tuổi chết 1 tháng
mà không ai phát hiện Ảnh: Reuters
“Cái chết cô độc” không phải là hiếm tại Nhật Bản, đất nước có 127 triệu dân với 25% trên 65 tuổi. Mối quan hệ gia đình lỏng lẻo là nguyên nhân chính đẩy nhiều người lớn tuổi vào cảnh thui thủi một mình. Xót xa không kém, hiện trạng xã hội này đang thúc đẩy loại hình dịch vụ dọn vệ sinh những căn hộ có thi thể người chết trong nhiều ngày hoặc tuần. Hirotsugu Masuda cho hãng tin Reuters biết nhóm dọn dẹp của anh thường làm việc 3-4 lần/tuần trong mùa hè, thời điểm thi thể phân hủy nhanh hơn.
Khi nhóm của anh Masuda đến căn hộ của ông cụ 85 tuổi nêu trên, thi thể đã được mang đi nhưng dịch cơ thể đã thấm xuống sàn trong khi ruồi bu đen nồi cơm nguội trong nhà. Những người dọn dẹp mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay và bắt đầu phun thuốc đuổi côn trùng, gom rác vào thùng rồi dọn sạch ngôi nhà.
Quá trình dọn dẹp này kéo dài 6 giờ và được tiến hành âm thầm để tránh làm phiền hàng xóm. Khi có người tò mò đứng xem, nhóm Masuda thường nói tránh rằng họ đang chuyển nhà. Sau khi công việc xong xuôi, nhóm đặt nhang, hoa và di ảnh người chết ngay tại vị trí họ qua đời. Chi phí cho mỗi lần dọn dẹp dao động từ 676-2.845 USD, tùy thuộc diện tích căn hộ.
Nhật Bản đang có đến 5 triệu người cao tuổi sống một mình nên số thi thể nằm cô quạnh trong các căn nhà trống vắng sẽ còn tăng cao. Số liệu thống kê cho thấy hầu hết những người lớn tuổi ra đi trong cô độc là nam giới.
Ông Hideto Kone, nhân viên một tổ chức phi chính phủ đang tìm hiểu vấn đề này, nhận định: “Đã có khoảng 40.000 trường hợp người già rời khỏi cõi đời trong lặng lẽ. Tôi nghĩ trong 10 năm tới, con số này sẽ tăng lên 100.000”. Đau lòng hơn, những nạn nhân bị người thân lãng quên này không được làm tang lễ và thi thể họ đành nằm dưới những nấm mồ không tên.
Người già nhất thế giới qua đời
Cụ bà Misao Okawa, người lớn tuổi nhất thế giới, đã qua đời hôm 1-4 tại Nhật Bản, không lâu sau khi mừng sinh nhật tuổi 117. Ngày 5-3 vừa qua, cụ Okawa tổ chức sinh nhật lần thứ 117 với người con trai 92 tuổi và cháu chắt. Ông Tomohino Okada, quản lý nhà dưỡng lão Kurenai ở TP Osaka - Nhật Bản, nơi cụ Okawa sống những ngày cuối đời, cho biết gần đây cụ ăn không cảm thấy ngon miệng.
Tháng 6-2013, cụ Okawa xác lập kỷ lục Guinness thế giới với danh hiệu “Người sống lâu nhất” sau cái chết của cụ ông Jireomon Kimura - 116 tuổi, cũng là người Nhật Bản. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Telegraph hồi năm ngoái, cụ bà sinh năm 1898 này tiết lộ bí quyết sống lâu, đó là ăn uống hợp lý, ngủ ít nhất 8 giờ mỗi đêm và không bỏ giấc ngủ trưa. “Ăn và ngủ điều độ sẽ giúp bạn sống thọ. Bạn còn phải học thêm cách thư giãn cho đầu óc thoải mái” - cụ Okawa trả lời phỏng vấn.
Khi được hỏi về khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình, cụ không ngần ngại cho biết đó là lúc mình kết hôn với người chồng Yukio Okawa vào năm 1919. Hai người có 3 con, trong đó 1 đã mất. Con trai của cụ Okawa đã 92 tuổi và con gái vừa bước sang tuổi 94 do được thừa kế “gien trẻ lâu” của mẹ. Cụ có 3 người cháu và 6 chắt.
Thống kê cho thấy cả nước Nhật đang có 54.397 cụ ông và cụ bà trên 100 tuổi, bao gồm 282 người sống tới 110 năm.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)