Mối liên kết giữa các đột biến trên và chất phóng xạ đã được chứng minh bằng thực nghiệm, theo báo cáo đăng trên tạp chí Scientific Reports.
Hai tháng sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vào tháng 3-2011, một nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã thu thập 144 con bướm Zizeeria maha trưởng thành tại 10 địa điểm khác nhau trên cả nước, kể cả khu vực Fukushima. Khi thảm họa xảy ra, chúng chỉ mới là ấu trùng đang phát triển giữa mùa đông.
Bướm Zizeeria maha ở Fukushima bình thường (phải) và bị đột biến. Ảnh: BBC
Bằng cách so sánh sự khác biệt giữa bướm thu thập ở các nơi khác nhau, nhóm nghiên cứu phát hiện bướm ở những khu vực nhiễm phóng xạ có cánh nhỏ hơn nhiều và mắt chúng phát triển bất bình thường.
“Trước nay, người ta vẫn tin rằng côn trùng có sức đề kháng cao với phóng xạ. Vì vậy, kết quả nghiên cứu lần này thật đáng ngạc nhiên” – giáo sư Joji Otaki, thuộc Đại học Ryukyus (Okinawa) – người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói với BBC.
Sau đó, nhóm của giáo sư Otaki cho số bướm trên giao phối với nhau trong một phòng thí nghiệm cách xa Fukushina 1.750 km để triệt tiêu ảnh hưởng của phóng xạ trong môi trường. Thế hệ bướm tiếp theo lại phát sinh những bất thường chưa từng thấy trên cha mẹ chúng như những chiếc râu dị hình.
Đến tháng 11-2011, họ tiếp tục thu gom bướm ở 10 địa điểm và nhận thấy bướm ở khu vực Fukushima bị đột biến gấp đôi so với những con bướm cùng khu vực bắt được ngay sau thảm họa. Nguyên nhân khiến tỉ lệ đột biến tăng cao là do chúng ăn phải các thức ăn nhiễm xạ cộng với những biến đổi gien qua di truyền.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm khảo sát loài bướm này, nhóm nghiên cứu cho biết chúng rất nhạy cảm với các biến đổi môi trường. Chúng đã biến đổi màu sắc cánh khi phản ứng với tình trạng ấm lên toàn cầu. Do đó, tình trạng đột biến nặng nề này chứng tỏ phóng xạ vẫn còn ảnh hưởng đến động vật dù chúng đã phân rã trong môi trường tự nhiên.
Bình luận (0)