Dư luận Ấn Độ kêu gọi ngừng xài hàng Trung Quốc, trở về với hàng nội địa, diễn ra trong thế khó: tư tưởng đó gia tăng nhưng các công ty Ấn Độ vẫn phụ thuộc nhiều vào đồng vốn của láng giềng lớn nhất châu Á.
Bất chấp có thể hứng chịu thiệt hại kinh tế
Điều này khiến không ít người lo lắng chuyện Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thúc đẩy phong trào tự lực tự cường (dựa trên 5 trụ cột là kinh tế, cơ sở hạ tầng, hệ thống, nhân khẩu học sinh động và nhu cầu) có thể dẫn đến tình cảnh đầy thách thức.
Báo South China Morning Post (Hồng Kông) cho rằng vẫn còn sớm để đưa ra nhận định về động thái tung gói kích thích kinh tế tương đương 10% GDP của Ấn Độ, trị giá 266 tỉ USD, dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, nông dân, người lao động và tầng lớp trung lưu. Gói hỗ trợ kinh tế một phần để giúp "giải vây" trong mùa dịch Covid-19, một phần để trợ lực cho doanh nghiệp Ấn Độ trước bài toán Trung Quốc.
Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah có cái nhìn khá lạc quan: "Dân số Ấn Độ (1,3 tỉ) là thế mạnh của chúng tôi. Nếu người dân quyết không mua hàng hóa nước ngoài, nền kinh tế Ấn Độ sẽ có một bước nhảy vọt".
Mitron TV, ứng dụng được kỹ sư Ấn Độ tung ra thay thế cho app TikTok của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, Ấn Độ còn phụ thuộc vào Trung Quốc, nhất là vốn Ảnh: SMCP
Nhiều chính trị gia Ấn Độ kêu gọi chính phủ hủy hợp đồng xây dựng đường tàu điện ngầm đã trao cho một công ty Trung Quốc. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ấn Độ Nitin Gadkari là một trong những người cứng rắn kêu gọi ngành công nghiệp Ấn Độ nhân lúc này "đứng lên". Tuy nhiên, tờ South China Morning Post cho rằng Ấn Độ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào tiền vốn từ Trung Quốc, đồng thời cần kiến thức chuyên môn của Trung Quốc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và 5G.
Mặc dù thận trọng ứng phó với Trung Quốc được cho là hợp lý nhưng tâm lý tiêu cực kéo dài và tẩy chay hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ gây hại cho người Ấn Độ và nền kinh tế công nghệ của chính họ. Ấn Độ đang có mức thâm hụt thương mại khoảng 59,3 tỉ USD với Trung Quốc. Khoảng 11% tổng lượng hàng nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Trung Quốc.
Tính kế thoát "bẫy"
Bên cạnh đó, Cơ quan Tình báo Ấn Độ khuyến nghị người dân không nên sử dụng 53 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có Tik Tok, Mi Store, WeChat. Theo tờ HindustanTimes, tình báo Ấn Độ tẩy chay vì lo ngại hàng loạt ứng dụng vừa nêu có khả năng chuyển một lượng lớn dữ liệu ra ngoài Ấn Độ.
Đề xuất trên của cơ quan tình báo đã được Ban Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia "bật đèn xanh" vì đơn vị này cho rằng chúng có thể gây bất lợi cho an ninh của Ấn Độ. HindustanTimes cho rằng danh sách trên có thể sẽ còn dài hơn. Thậm chí, một phần mềm giúp người dùng phát hiện và xóa các ứng dụng Trung Quốc trên điện thoại được tải hơn 5 triệu lần kể từ tháng 5.
Trên mạng xã hội, người tiêu dùng và doanh nghiệp Ấn Độ đồng loạt kêu gọi tẩy chay hàng hóa của quốc gia đang có xung đột biên giới với Ấn Độ. Kỹ sư Sonam Wangchuk là một trong những người đi đầu chiến dịch tẩy chay này. Ông Wangchuk nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải sử dụng các biện pháp kinh tế. Ấn Độ đã tốn quá nhiều tiền cho Trung Quốc. Chúng ta cần thoát khỏi cái bẫy đó". Kỹ sư Wangchuk cho biết chiến dịch thành công hơn ông mong đợi. "Người tiêu dùng có thể tạo ra sự thay đổi to lớn" - ông Wangchuk nói.
Trong khi đó, Liên minh Thương nhân Ấn Độ (CAIT) - đại diện hơn 60 triệu thương nhân nước này - cho biết sẽ tẩy chay 450 thương hiệu bán hơn 3.000 sản phẩm của láng giềng, từ mỹ phẩm, thời trang đến đồ nội thất.
Có những dấu hiệu cho thấy phía Trung Quốc lo ngại với làn sóng tẩy chay này. Chẳng hạn như báo Global Times đã đăng bài xã luận kêu gọi Ấn Độ kiềm chế những lời kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc.
Từ 4-8 tỉ USD đổ vào các công ty khởi nghiệp
Tính đến tháng 3-2020, các nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc đã bơm 4 tỉ USD cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Ấn Độ, theo nghiên cứu của Gateway House, một công ty có trụ sở ở Mumbai. Nếu tính luôn phần đầu tư bởi các công ty con Trung Quốc ở Hồng Kông và Singapore, con số này lên đến 8 tỉ USD, tăng rất nhiều so với 1,4 tỉ USD năm 2014.
Bình luận (0)