Theo các quan chức Ấn Độ hôm 24-6, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) không ngừng hoạt động quân sự ở khu vực nói trên mà thậm chí còn tăng cường tập trung binh sĩ, xe quân sự, máy xúc đất và dựng các cấu trúc ở đó.
Đáng chú ý, PLA đã cho dựng một chốt giám sát lớn hơn gần điểm tuần tra 14 (PP 14). PP 14 là nơi binh sĩ hai nước đụng độ đẫm máu đêm 15-6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và được cho là gây ra thương vong cho 45 binh sĩ Trung Quốc.
Không lâu trước khi đụng độ xảy ra, một nhóm binh sĩ Ấn Độ đã san bằng một số cấu trúc tại PP 14, trong đó có một chốt giám sát.
Hình ảnh vệ tinh chụp hôm 22-5 (bên trên) cho thấy chỉ có một lều trại ở gần PP 14. Tuy nhiên, hình ảnh mới bên dưới dường như cho thấy PLA cho dựng các điểm phòng thủ tại nơi này. Ảnh: Maxar
Hiện chưa có thông tin chính thức nào về diễn biến nói trên, được tiết lộ sau khi quân đội hai nước hôm 22-6 đồng ý giải tán lực lượng tại khu vực có xung đột.
Các hình ảnh vệ tinh mới do Công ty Maxar Technologies (Mỹ) cung cấp nói trên càng củng cố thêm cáo buộc của New Delhi, theo đó PLA không chỉ duy trì hiện diện tại Thung lũng Galwan mà còn củng cố các vị trí quân sự ở đó.
Tiêm kích Ấn Độ quần thảo khu vực biên giới với Trung Quốc
Chẳng hạn như hình ảnh vệ tinh chụp hôm 22-5 cho thấy chỉ có một lều trại ở gần PP 14. Tuy nhiên, những hình ảnh mới dường như cho thấy PLA cho dựng các điểm phòng thủ tại nơi này. Ngoài ra, các khu trú ẩn mới được dựng lên gần đó.
Tướng về hưu Ramesh Padhi của Ấn Độ nhận định đang có dấu hiệu về hành động xâm nhập quanh PP 14. Theo ông Padhi, PLA dường như đang triển khai lực lượng ở phía LAC của Ấn Độ.
Một quan chức Ấn Độ khẳng định quân đội nước này vẫn đang duy trì sự cảnh giác cao độ dọc LAC và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ hành động khiêu khích nào từ PLA.
Mặt khác, giới lãnh đạo quân sự Ấn Độ tỏ ra lạc quan thận trọng về tiến trình đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại biên giới tranh chấp với Trung Quốc. Một số người tin rằng giải pháp tức thì cho cuộc khủng hoảng là không thể do hai nước còn nhiều khác biệt về chủ quyền tại Ladakh.
Trung Quốc đã triển khai hơn 10.000 binh sĩ, cùng với chiến đấu cơ, trực thăng, xe tăng, hệ thống phòng thủ, radar phòng không...dọc LAC ở Đông Ladakh. Ấn Độ cũng đưa đến đó một lực lượng có quy mô tương tự.
Bình luận (0)