Việc xuống biển sinh sống theo đúng nghĩa đen không còn là chuyện viển vông khi những biệt thự nửa nổi nửa chìm sắp được hoàn thành tại TP Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Dự án tham vọng
Loại biệt thự độc đáo cho phép con người tận mắt quan sát hệ sinh thái biển sống động nhất có thể nhưng lối sống xa hoa này mới chỉ dành cho những người lắm tiền nhiều của.
Được thiết kế và xây dựng bởi Công ty Phát triển bất động sản Kleindienst, biệt thự nổi mang tên Floating Seahorse có 2 tầng nổi và 1 tầng chìm nằm cách bờ biển Dubai khoảng 4 km. Chủ sở hữu Floating Seahorse có thể dễ dàng lựa chọn phương tiện di chuyển như thuyền hay thủy phi cơ.
Tầng chìm dưới biển của biệt thự có phòng tắm, phòng ngủ cùng 2 cửa sổ khổng lồ (diện tích khoảng 25 m2), cho phép chủ sở hữu dễ dàng quan sát cuộc sống dưới biển. Phần nổi của căn biệt thự là nơi đặt phòng khách và nhà bếp. Nó còn có tầng quan sát và những bậc thang dẫn xuống biển cho phép người ở dễ dàng bơi lặn.
Floating Seahorse là sản phẩm của hơn 5.000 giờ nghiên cứu và 13.000 giờ thiết kế. Dù giá bán không rẻ (khoảng 2,8 triệu USD/căn) nhưng có đến 60 biệt thự đầu tiên được đặt mua vào năm ngoái ngay cả khi chúng chưa hoàn thành. Công ty dự định hoàn thành hơn 50 căn vào cuối năm nay và con số này tăng lên 131 căn vào cuối năm 2017.
“Floating Seahorse” nằm trong dự án khu nghỉ dưỡng “Trái tim châu Âu”, gồm 6 đảo nhân tạo, hàng chục khách sạn và những con đường có thể kiểm soát được khí hậu đầu tiên trên thế giới. Trong khi đó, “Trái tim châu Âu” lại là một phần của siêu dự án “Thế giới” với khoảng 300 đảo nhân tạo mô phỏng hình ảnh bản đồ thế giới ngoài khơi bờ biển Dubai được hiện thực hóa vào năm 2008 dựa trên ý tưởng của ông Josef Kleindienst, Chủ tịch Công ty Kleindienst.
Đủ kiểu “sướng”
Trước dự án “Trái tim châu Âu”, nhiều kiến trúc lạ mắt dưới biển cũng thu hút nhiều sự chú ý. Gây ấn tượng mạnh là khách sạn tàu ngầm hạng sang mang tên Lovers Deep. Khách sạn di động dưới biển này có thể đậu ngoài khơi bất kỳ hòn đảo nào ở vùng biển Caribbean mà khách hàng lựa chọn.
Tại đây, các cặp đôi được tận hưởng bữa tối lãng mạn trong không gian cực kỳ riêng tư ở độ sâu tối đa khoảng 198 m dưới mặt nước biển. Thuyền trưởng, đội ngũ nhân viên khách sạn, đầu bếp trong những căn phòng cách âm ở đuôi tàu ngầm sẵn sàng chờ phục vụ. Đổi lại, chi phí dành cho một đêm đặc biệt như thế cũng cao ngất ngưỡng - ít nhất 200.000 USD.
Những dịch vụ khác cũng được mang xuống biển. Chẳng hạn như cơ sở Lime Spa bên trong khu nghỉ mát Huvafen Fushi (Maldives) cung cấp dịch vụ spa dưới biển đầu tiên trên thế giới. Dịch vụ cho phép khách hàng vừa tận hưởng những liệu trình mát xa thư giãn vừa được ngắm những rạn san hô nhiều màu sắc dưới biển.
Một cái tên đáng chú ý khác là khu phức hợp nghỉ dưỡng dưới biển đầu tiên trên thế giới - gọi là Poseidon Undersea Resorts - ở Fiji. Một khi được hoàn thành, kiến trúc đặc biệt này sẽ có 25 phòng, một nhà hàng, quầy bar, thư viện, phòng hội nghị, nơi tổ chức tiệc cưới, dịch vụ spa, phòng tập gym... Đặc biệt, bao quanh khách sạn là một khu vực dành cho những du khách nào thích lặn dưới biển.
Được khởi công xây dựng từ năm 2001 nhưng chủ sở hữu Poseidon Undersea Resorts vẫn chưa công bố thời gian mở cửa đón khách. Sự trì hoãn này, cộng với mức phí khoảng 11.000 USD/tuần không đủ ngăn hàng trăm ngàn người có tên trong danh sách đặt chỗ trước.
Nhiều thách thức
Chia sẻ về thách thức xây dựng Floating Seahorse, ông Josef Kleindienst cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thiết kế các biệt thự năm 2008 nhưng đã phải thay đổi nhiều lần. Chúng tôi đã mời các kiến trúc sư từ 10 quốc gia trên thế giới gửi ý tưởng và công trình của Gianfranco Rasile đã làm tất cả chúng tôi phải thốt lên “tuyệt vời”.
Ông Gianfranco Rasile, kiến trúc sư đến từ Singapore, cho biết nhóm kỹ sư của ông đã phải vật lộn nhiều tháng để đo đạc được sức nổi trung bình của ngôi biệt thự. Công việc đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng và nhiều lần thử nghiệm ở TP Dubai.
Ông Rasile chia sẻ: “Biển Ả Rập có rất nhiều muối nên chúng tôi bị hạn chế trong sử dụng vật liệu. Nhìn vào cấu trúc biệt thự sẽ thấy chúng tôi sử dụng gỗ tếch và đá cẩm thạch. Chúng tôi phải sử dụng những vật liệu có thể chịu được nhiệt độ và muối trong khí quyển”.
Những tấm kính cửa sổ của biệt thự dưới biển chỉ dày khoảng 9,5 cm nhưng được làm từ loại hợp chất acrylic có khả năng chịu được áp lực nước và tác động của môi trường nước biển nhiều năm.
Bình luận (0)