Những người chỉ trích cho rằng Bắc Kinh giữ lại mực ống chất lượng cao để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hàng kém chất lượng hơn với mức giá cao hơn. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng trò "lấy thịt đè người" tại những ngư trường có nhiều mực ống và tác động lên các cuộc thương thảo quốc tế về bảo tồn và phân phối nguồn tài nguyên hải sản này theo hướng có lợi cho mình.
Theo thống kê, tàu cá Trung Quốc đánh bắt 50%-70% lượng mực ống tại các vùng biển quốc tế trong những năm gần đây. Tờ South China Morning Post cho biết chuyện đánh bắt mực ống với Bắc Kinh còn có ý nghĩa nhiều hơn kinh doanh. Theo một nhà nghiên cứu hàng đầu về chương trình đánh bắt mực ống toàn cầu của Trung Quốc, đây là "bước đi nhỏ nhưng quan trọng trong hành trình dài hơi nhằm chinh phục các đại dương của thế giới".
Một tàu đánh bắt mực ống của Trung Quốc. Ảnh: iqiyi.com
Việc theo dõi những sinh vật khó bắt như mực ống tại các vùng biển khắp toàn cầu đòi hỏi năng lực tình báo, công nghệ, tổ chức tinh vi và sự hỗ trợ tài chính của chính phủ. Hằng tuần, thuyền trưởng của hàng trăm tàu cá Trung Quốc nhận từ Bắc Kinh thông tin dự báo mới nhất về quy mô và địa điểm có nhiều mực ống.
Đang nuôi dưỡng tham vọng thành siêu cường hàng hải toàn cầu, Trung Quốc xem hoạt động đánh bắt trên như "cuộc diễn tập" nhằm tăng cường sức mạnh để đối đầu những cường quốc hải quân khác, theo nhà nghiên cứu giấu tên nói trên.
Sự bành trướng của đội tàu đánh bắt mực ống Trung Quốc dẫn đến không ít tác động xấu. Chẳng hạn, ngư dân Hàn Quốc cáo buộc tàu cá Trung Quốc khai thác quá nhiều mực ống ở biển Hoa Đông, khiến số lượng sinh vật này giảm mạnh trong vùng biển Hàn Quốc.
Một ngư dân tên Park Jung-gwi, sống tại TP Sokcho, phàn nàn rằng lợi nhuận của ông giảm 60% trong những năm gần đây vì sự cạnh tranh không lành mạnh của ngư dân Trung Quốc - đi với số đông và vơ vét hầu hết mực ống. Những phàn nàn tương tự đến từ ngành công nghiệp đánh bắt mực ống Đài Loan.
Không gì lạ khi Viện Hàng hải Hàn Quốc cho biết sản lượng mực ống đánh bắt của ngư dân nước này giảm 48% giai đoạn 2003-2017. Ngư dân Nhật Bản còn thê thảm hơn khi chứng kiến sự sụt giảm đến 73% trong cùng giai đoạn.
Bình luận (0)