Ngoại trưởng Pakistan Aizaz Ahmad Chaudhry nói ông biết tin này qua báo chí và chỉ đạo đại sứ ở Ả Rập Saudi tìm hiểu thêm. Theo báo Los Angeles Times (Mỹ), Pakistan cũng bị Ả Rập Saudi tự ý cho vào liên minh không kích phiến quân Houthi ở Yemen trước đó.
Thảng thốt không kém, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Palestine nói “không biết gì” và hỏi ngược lại khi được đài NBC (Mỹ) phỏng vấn: “Chúng tôi chống khủng bố kiểu gì đây? Chúng tôi còn phải cần sự trợ giúp mà”. Tại Đông Nam Á, 2 nước Malaysia và Indonesia đều dứt khoát “không gia nhập liên minh quân sự”.
Ngay cả những nước xác nhận tham gia cũng không yên chuyện. Như Lebanon, nội bộ bị xào xáo vì tin này. Thủ tướng Tammam Salam tỏ ý ủng hộ nhưng Bộ Ngoại giao Lebanon băn khoăn trước “định nghĩa về nhóm khủng bố và chống khủng bố” của Ả Rập Saudi. Theo NBC, rõ ràng Bộ Ngoại giao Lebanon nhắc đến Hezbollah - nhóm vũ trang dòng Shiite đang hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và bị Ả Rập Saudi liệt vào danh sách khủng bố.
Đến giờ vẫn không ai biết đích xác ý đồ của Ả Rập Saudi trong bối cảnh chảo lửa Trung Đông đã đầy rẫy liên minh chống khủng bố. Trong cuộc họp báo cuối năm hôm 17-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngờ vực: “Mỹ đã có một liên minh, trong đó có cả Ả Rập Saudi. Tại sao họ cần một liên minh mới? Có thể họ có một số khác biệt như lợi ích khu vực chẳng hạn”.
Mỹ dường như cũng bị đánh đố không kém song người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định liên minh Ả Rập không thay thế liên quân chống IS gồm 65 thành viên do Mỹ dẫn đầu.
Câu trả lời cho thắc mắc của Nga và Mỹ có thể nằm trong số những nước bị “gạt ra rìa”. Việc vắng mặt Iran, Iraq, Syria - 3 nước đang chống IS - khiến hãng tin AP đặt vấn đề: Phải chăng liên minh này thực chất là một khối Sunni nhằm cô lập Iran, kẻ thù Shiite của Riyadh?
Ông Bruce Riedel, chuyên gia cấp cao của Viện Brookings và có 30 năm làm việc với Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), nhận định: “Với Riyadh, cuộc chiến với Iran quan trọng ngang ngửa chống al-Qaeda và IS, nếu không muốn nói là hơn”.
Ngoài lý do trên, theo ông Riedel, Ả Rập Saudi đang muốn gỡ gạc thể diện sau khi chiến dịch quân sự mà họ phát động ở Yemen hồi tháng 3 qua không thể thắng lợi nhanh chóng, đồng thời họ bị Mỹ liên tục chỉ trích vì chống IS nửa vời.
Ả Rập Saudi dĩ nhiên phủ nhận yếu tố giáo phái trong liên minh mới. “Nếu Iran muốn gia nhập, họ nên ngừng gây rối ở Syria và Yemen cũng như thôi hỗ trợ khủng bố ở Lebanon và Iraq” - tướng Ahmad Asiri, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi, nhấn mạnh.
Cứ cho là Ả Rập Saudi nghiêm túc chống khủng bố thì giới chuyên gia cũng không tin tưởng thực lực của họ. “Thế giới Ả Rập nhắc đến việc lập liên minh quân sự từ những năm 1940 nhưng tới nay chưa có kết quả gì đáng nói” - đài CNN chỉ ra.
Theo đài này, trong số 34 nước có tên trong danh sách, giỏi lắm chỉ khoảng 6 nước đủ sức đóng góp về mặt quân sự và chính trị để chống IS. Những nước trong số này như Jordan, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi và Bahrain đã cùng Mỹ không kích IS từ năm ngoái nhưng dần dần rút lui không kèn không trống. Thống kê của Lầu Năm Góc chỉ rõ Mỹ thực hiện tới 2/3 cuộc không kích IS ở Iraq và 95% số vụ ở Syria (tính đến ngày 19-11).
Đã vậy, Afghanistan - đất nước bắt đầu bị IS xâm nhập - hay Algeria - quốc gia Hồi giáo lớn nhất cũng như có quân đội hiện đại nhất châu Phi - cũng vắng mặt.
Chưa hết, tạp chí IHS Jane’s cảnh báo “lợi ích xung đột của các thành viên sẽ hạn chế đóng góp của họ”. Điển hình, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận gia nhập liên minh song lại bị xem là đối thủ của chính Ả Rập Saudi tại Syria. Ai Cập cũng vậy, họ đang chia sẻ mục đích chung với Nga và Tổng thống Assad - giữ Syria ổn định trước kẻ thù IS.
Bình luận (0)