Ghana
Là nước sản xuất ca cao nhiều nhất thế giới, Ghana lấy ngày lễ Tình nhân làm Ngày Chocolate Quốc gia để thu hút khách du lịch.
Nhật Bản
Người dân địa phương biến ngày ngày Lễ tình nhân thành dịp cho phép phụ nữ theo đuổi đàn ông. Các cô gái sẽ tặng chocolate cho chàng trai trong mộng với hy vọng 1 tháng sau sẽ được nhận lại quà hồi đáp. Đây cũng là dịp các nhà buôn chocolate “trúng đậm”. Thậm chí người ta còn nói rằng số lượng chocolate được bán trong ngày 14-2 chiếm một nửa số lượng chocolate bán cả năm ở Nhật Bản.
Đan Mạch và Na Uy
Tại hai quốc gia này, những chàng trai sẽ gửi cho người yêu một tấm thiệp vô danh hoặc một bài thơ ký tên phía dưới bằng những dấu chấm – tượng trưng cho các chữ cái trong tên của chàng trai. Nếu cô gái đoán đúng người gửi, cô sẽ nhận được một quả trứng Phục Sinh. Nếu không, cô gái phải mua quả trứng Phục Sinh thay cho lời xin lỗi.
Xứ Wales
Người dân xứ Wales không ăn mừng dịp lễ Tình nhân, thay vào đó họ vinh danh vị thánh bảo trợ tình yêu – Thánh Dwynwen - bằng cách trao cho nhau những chiếc thìa được chạm khắc. Họ thực hiện điều này vào tháng 1 hằng năm. Hiện truyền thống trao thìa chạm khắc thủ công còn được áp dụng cho tiệc cưới, sinh nhật hay các dịp lễ kỷ niệm khác.
Hàn Quốc
Nhắc đến xứ sở kim chi, người ta phải thừa nhận ở quốc gia lãng mạn này tháng nào cũng là tháng của tình yêu. Bởi vào ngày 14 hằng tháng, người dân Hàn Quốc đều tổ chức lễ kỷ niệm với những cái ôm nồng hậu, rượu vang, hoa hồng và những nụ hôn. Riêng vào ngày 14-2, doanh số thú bông, hoa, chocolate và đồ trang trí của các cửa hàng tăng vọt so với các ngày 14 khác.
Philippines
Ngoài việc thể hiện tình yêu, ngày lễ Tình nhân còn là dịp để các cặp đôi đang yêu ở Philippines chọn làm ngày lành tháng tốt để kết hôn. Thông thường, họ sẽ cùng nhau tham gia một đám cưới tập thể. Nơi tổ chức lễ cưới có thể là trung tâm mua sắm, thu hút cả những cặp vợ chồng đã kết hôn.
Pháp
Một truyền thống đón lễ Tình nhân được cho là lập dị từng tồn tại ở quốc gia này. Theo đó, vào ngày này, các chàng trai và cô gái còn lẻ bóng bước vào những ngôi nhà đối diện nhau. Sau đó, họ la hét từ cửa sổ để thu hút sự chú ý của đối phương cho đến khi tìm được đối tượng. Chàng trai có thể từ chối cô gái nếu cảm thấy không phù hợp. Đáp lại, các cô gái sẽ đốt ảnh của các chàng trai và lăng mạ họ như một cách không đồng ý. Chính phủ Pháp cuối cùng đã ban hành lệnh cấm truyền thống kỳ lạ này.
Đức
Người Đức có truyền thống đón lễ Tình nhân khác lạ. Vào ngày 14-2, các cặp đôi tặng hoa, kẹo và những bức tượng heo phủ đầy hoa cho nhau. Tại Đức, heo được xem là biểu tượng của sự may mắn. Trong ngày lễ Tình nhân, hình ảnh của những chú heo xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Brazil
Thật bất ngờ khi ở Brazil, lễ Tình nhân lại là ngày dành cho những người… thất tình. Mỗi chàng trai, cô gái từng một lần đau khổ vì tình yêu sẽ viết tên những người mình thích đặt vào một chiếc nón. Sau đó, họ sẽ “rút thăm” và tin rằng rút trúng cái tên nào thì người đó có khả năng sẽ là bạn đời mình trong tương lai.
Ecuador
Tại Ecuador, ngày 14-2 dành cho cả tình yêu lẫn tình bạn. Vào ngày này, các chàng trai, cô gái sẽ tặng một bông hoa duy nhất cho “nửa kia” với hy vọng họ sẽ ở lại bên cạnh mình trong năm sau.
Bình luận (0)