Sinh nhật xa hoa
"Lãng phí" là cụm từ do phe đối lập chống chính phủ mô tả trong thời gian chuẩn bị tổ chức sinh nhật cho Tổng thống Mugabe. Tiệc mừng chính thức sẽ diễn ra vào ngày 28-2 nhưng đến nay việc "quyên góp" ước tính chưa được một nửa so với "chỉ tiêu" đề ra là 250.000 USD.
Từ đầu tháng 2, tổ chức quyên góp cho sinh nhật của Tổng thống Mugabe đã công bố kế hoạch tổ chức một lễ mừng sinh nhật hoành tráng. Từ các công ty tư nhân đến nhà nước, từ viên chức lương không đủ ăn đến nông dân đang chờ viện trợ lương thực của LHQ đều có nghĩa vụ đóng góp.
Tỉ phú nhưng sống trong cảnh đói nghèo
Tổ chức trên kêu gọi người dân đóng góp tiền vào một tài khoản có tên "Phong trào 21-2". Mỗi yêu cầu quyên góp khoảng từ 25.000 USD đến 55.000 USD và gửi vào tài khoản ngân hàng ghi tên February Movement lần thứ 21 do tổ chức Zanu (PF) điều hành. Người đứng đầu Zanu (PF) chính là Tổng thống Mugabe. Cho đến nay, ngoài các doanh nhân, quan chức chính phủ, dường như rất ít người dân góp vào quỹ này.
Những người điều hành hoạt động này, đứng đầu là cháu trai của Tổng thống Mugabe, vẫn đang hy vọng nối dài danh sách các nhà tài trợ ở đất nước có 7 triệu người dân sống nhờ sự trợ giúp lương thực của thế giới.
Thực đơn mừng thọ Tổng thống Mugabe cũng làm nhiều nhà ngoại giao phương Tây phải "choáng": 2.000 chai champagne, 8.000 con tôm hùm, 4.000 đĩa trứng cá muối, 8.000 thùng sô cô la Ferrero Rocher, 3.000 con vịt, 80 con bò, 70 con dê, heo... Theo họ, việc này cho thấy chính phủ Mugabe không có ý định giảm tình trạng siêu lạm phát và không nghĩ đến tình cảnh khốn khó của người dân.
Sinh nhật xa hoa này diễn ra chỉ một tháng sau khi bà Grace Mugabe, phu nhân 43 tuổi của tổng thống, người được mệnh danh là "đệ nhất phu nhân mua sắm" trở về từ Đông Á trong chuyến du lịch tốn... 92.000 USD. Lối sống xa hoa của gia đình Tổng thống Mugabe đã làm người dân Zimbabwe bất bình.
Kinh tế trì trệ
Trước đây, Zimbabwe được biết là một trong những quốc gia phát triển nhất châu Phi, từng được mệnh danh là "rổ bánh mì của châu lục", đời sống người dân khá ổn định. Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp có năng suất cao nhưng từ những năm 2000, Zimbabwe oằn mình dưới sức nặng của tình trạng lạm phát khủng khiếp: 231 triệu phần trăm. Nền kinh tế Zimbabwe trở nên sút kém trong bối cảnh khủng hoảng chính trị kéo dài, liên quan việc chia sẻ quyền lực giữa Tổng thống Mugabe với phe đối lập.
Hiện người dân Zimbabwe đang sống trong tình trạng thiếu thốn mọi thứ, từ thực phẩm đến năng lượng, hơn 77.000 người đang mắc bệnh dịch tả nhưng không có đủ thuốc men chữa trị.
Theo thống kê của Chương trình Lương thực thế giới của LHQ, hơn 11 triệu người Zimbabwe đang sống trong cảnh thiếu ăn. Ở đất nước này, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 90%.
Thủ tướng Zimbabwe, Morgan Tsvangirai cho rằng, nước này đang cần viện trợ khoảng 5 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế đang trì trệ.
Hôm 12-2, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe phát hành thêm tờ tiền trị giá 50 tỷ đô la Zimbabwe nhưng chỉ tương đương 1,25 USD, mua được... 3 tờ báo. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe từng bỏ 12 chữ số "0" trên tờ tiền như là một "biện pháp" ngăn chặn lạm phát phi mã, sau khi tờ 100.000 tỷ đô la Zimbabwe chỉ mới được phát hành khoảng một tháng trước đó. Hồi giữa năm ngoái, nước này cũng từng một lần bỏ đi 10 số "0" trên tờ tiền
Bình luận (0)