Trong 23 năm qua, rừng Tây Nguyên mất hơn 1 triệu ha rừng do chuyển sang trồng cao su, làm thủy điện, nạn phá rừng… Số liệu từ dự án tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc năm 2015 cho thấy độ che phủ rừng chỉ còn hơn 45%.
Thủy điện lấy đất
Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) đã hoạt động nhiều năm nhưng đến nay vẫn gây hệ lụy. Không chỉ biến nhiều diện tích rừng nguyên sinh thành lòng hồ, nhà máy này còn đẩy 575 hộ dân người dân tộc Mạ, H’Mông ở xã Đắk P’lao vào cảnh thiếu đất sản xuất hoặc được cấp đất xấu. 42 hộ dân đã bỏ khu tái định cư vào vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng mưu sinh.
Ông Vương Văn Khì, một hộ dân ở đây, cho biết khi làm nhà máy thủy điện, nhà đầu tư hứa sẽ cấp cho mỗi hộ 2 ha đất rẫy, 3 sào ruộng nước nhưng cuối cùng chỉ cấp 4 sào mà hộ có, hộ không. Từ lúc về khu tái định cư, số tiền được hỗ trợ cũng đã tiêu xài hết nên người dân đành đi làm thuê kiếm sống. Mặc dù lên khu bảo tồn cuộc sống rất tạm bợ, không có công trình nước sạch, trường học và trạm y tế cách xa hơn 20 km nhưng bà con vẫn bám trụ vì có đất sản xuất.
Ông Trần Quốc Toàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2 - Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, lo lắng việc 42 hộ dân sinh sống trong vùng lõi của khu bảo tồn sẽ khiến công tác bảo vệ rừng càng khó khăn hơn, đặc biệt về lâu dài khi dân số tăng lên. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã đề nghị Chính phủ cho phép chuyển khu bảo tồn này thành vườn quốc gia đồng thời đề cử là Vườn di sản ASEAN. Tuy nhiên, điều này khó thành hiện thực nếu không di dời 42 hộ ra khỏi vùng lõi khu bảo tồn.
Tại tỉnh Kon Tum, theo ông Lại Đức Hiếu - Trưởng Phòng Quản lý Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 10 năm qua, tỉnh này đã chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 2.200 ha để xây dựng 18 dự án thủy điện, trong đó mất hơn 1.567 ha đất lâm nghiệp.
Việc chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp để xây dựng thủy điện đã thu hẹp đất sản xuất dẫn đến việc người dân lấn chiếm, phá rừng trái pháp luật để lấy đất sản xuất.
TS Đào Trọng Tứ - nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Kông, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho biết Tây Nguyên hiện có 25 dự án thủy điện đã và đang xây dựng, chiếm dụng hơn 68.000 ha đất. “Tính trung bình, 1 MW thủy điện lớn chiếm dụng khoảng 14,5 ha đất các loại, ảnh hưởng đến đời sống của 5,5 hộ dân. 1 MW thủy điện nhỏ cũng chiếm dụng khoảng 8,7 ha đất, làm 1,3 hộ dân bị ảnh hưởng” - TS Tứ tính toán.
Lâm tặc phá rừng
Từ tháng 6 đến tháng 8-2016, tại Lâm Đồng đã xảy ra gần 10 vụ phá rừng trái phép. Lâm tặc còn liều lĩnh tấn công lực lượng chức năng, nghiêm trọng hơn đã xảy ra giết người, chống người thi hành công vụ liên quan đến rừng. Hiện các tiểu khu 390A, 390B, 397, 398, 419... thuộc địa bàn huyện Bảo Lâm, khu vực thủy điện Đồng Nai 4 và 5 đã trở thành điểm nóng về phá rừng.
Tháng 7-2016, Bộ Công an phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã triệt phá đường dây khai thác gỗ ở khu vực giáp ranh nhiều tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Nông và cánh rừng Nam Cát Tiên (Đồng Nai). Khoảng 20 lâm tặc do Lê Hồng Hà (48 tuổi, tức Hà đen) cầm đầu đã lần lượt sa lưới.
Theo một lâm tặc, những khối gỗ vuông vức dài khoảng 3 m, được kéo xuống lòng hồ thủy điện, lợi dụng dòng nước kết thành bè, sau đó dùng thuyền lai dắt về phía hạ nguồn, đưa về bãi tập kết gần cửa đập thủy điện Đồng Nai 5. Tại đó có một bộ phận chuyên trục vớt đưa lên xe tải để vận chuyển đi tiêu thụ.
Không chỉ ở khu vực thủy điện Đồng Nai 5 bị lâm tặc tàn phá rừng nghiêm trọng mà các cánh rừng tại những hồ thủy điện như: Đồng Nai 3 (thuộc huyện Di Linh), lòng hồ thủy điện Đa Mi - Hàm Thuận (khu vực giáp ranh giữa huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng và huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận)…, lâm tặc dựng nhiều lán trại dã chiến, dùng ghe, thuyền lợi dụng dòng nước của đập thủy điện vận chuyển gỗ đi tiêu thụ. Khi gặp lực lượng chức năng truy quét, chúng cột đá vào gỗ cho chìm sâu xuống nước nhằm tẩu tán tang vật.
Rạng sáng 10-8, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh truy bắt và tạm giữ hành chính 7 trong số 15 đối tượng phá rừng trái phép tại tiểu khu 727.
Cùng ngày, lực lượng liên ngành của TP Đà Lạt đưa Chữ Hồng Sáu (40 tuổi; ngụ thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) đến tiểu khu 161 (xã Tà Nung, TP Đà Lạt) dựng lại hiện trường vụ cưa xẻ, vận chuyển gỗ trái phép và chống người thi hành công vụ. Trước đó, trong lúc bị vây bắt, Sáu đã dùng bình xịt hơi cay chống trả lực lượng chức năng.
Ngày 1-7, tại tiểu khu 687B (lâm phần thuộc Ban Quản lý rừng Hòa Bắc - Hòa Nam của huyện Di Linh) cũng xảy ra vụ lâm tặc tấn công, uy hiếp cán bộ quản lý rừng nhằm giải thoát đồng bọn.
Lâm tặc còn lộng hành đến mức chống trả quyết liệt lực lượng quản lý, bảo vệ rừng khiến 1 người chết và 3 người bị thương phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Vụ việc nghiêm trọng trên xảy ra tại tiểu khu 243A thuộc địa bàn xã Phi Tô, huyện Lâm Hà khiến dư luận phẫn nộ.
Từ năm 2010-2014, rừng Tây Nguyên đã giảm hơn 307.000 ha, còn khoảng 2,5 triệu ha, độ che phủ còn 45,8%; trữ lượng rừng giảm 57 triệu m3. Nguồn tài nguyên rừng Tây Nguyên đang suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng, chất lượng và đa dạng sinh học. Gần 67% là rừng nghèo kiệt, các loại gỗ quý có giá trị cao còn rất ít.
Kỳ tới: Mất dần bản sắc
Bình luận (0)