Con đường Ho Chi Minh Marg ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ)
Theo báo cáo của đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” vừa được Bộ Ngoại giao công bố, nhiều nước trên thế giới đã đặt tên Hồ Chí Minh cho các đường, phố, quảng trường, trường, lớp học... của mình.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam vẫn chưa thống kê đầy đủ số lượng của các con đường và cơ sở được mang tên Bác cũng như chưa nắm rõ hết được tình trạng của các cơ sở này. Ấn Độ là nước đầu tiên có tên đường Hồ Chí Minh. Con đường này được đặt tên ngay sau khi Việt Nam quyết định cuộc tấn công Mậu Thân năm 1968 bày tỏ thiện chí ủng hộ Việt Nam. Năm 1990, thực hiện Nghị quyết năm 1987 của UNESCO về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác trên phạm vi toàn thế giới, một đại lộ của thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã được đặt tên Hồ Chí Minh. Tại Ý có đến 21 con đường mang tên Hồ Chí Minh tại nhiều thành phố trên khắp đất nước. Thủ đô các nước như Cuba, Mozambique, Angola, Algeria, Nga,... có đường mang tên Bác.
Vừa qua, nhân chuyến thăm Palestine của Đoàn Ban Đối ngoại trung ương, tháng 11-2015, phía Palestine tỏ mong muốn được đặt tên Hồ Chí Minh cho một con đường tại Ramallah; Đại sứ quán tại Morocco kiến nghị vận động chính quyền Burkina Faso khôi phục lại tên đường Hồ Chí Minh cho đại lộ chạy qua dinh Tổng thống nước này; hoặc đặt tên Hồ Chí Minh cho một con đường khác phù hợp.
Tại Triều Tiên có 1 lớp mẫu giáo; tại Ukraine có 1 trường phổ thông, trong khuôn viên của trường có Bảo tàng “Tình hữu nghị Ukraine - Việt Nam” với hơn 900 hình ảnh, hiện vật, trong đó hơn một nửa là về Chủ tịch Hồ Chí Minh); tại Cuba có 1 tiểu học, 1 trường cấp II, 1 trung tâm giáo dục hỗn hợp, 1 phòng tranh và 1 công viên được mang tên Bác; tại Mexico có 1 giảng đường; tại Mông Cổ có 1 trường phổ thông, trong khuôn viên trường có tượng Bác...
Qua báo cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho thấy đây là một hình thức khá hiệu quả, có tác dụng lâu dài song cũng dễ bị tác động khi chính quyền sở tại và phong trào của bạn bè quốc tế ít quan tâm vì các lý do chính trị hoặc kinh tế, cũng có một số nơi xuất hiện tình huống phía chính quyền sở tại thay đổi tên, tỏ mong muốn Việt Nam có đóng góp vào việc tu bổ, nâng cấp cơ sở hoặc đặt vấn đề "có đi có lại" trong việc đặt tên.
Ngoài ra, còn có các địa điểm lưu niệm, tưởng niệm về Bác, chính thức hoặc chưa chính thức, nhưng được giới chức địa phương, dư luận và người dân sở tại tự hào lưu giữ một cách trân trọng.
Ở Mỹ, tờ giới thiệu về Khách sạn Omni Parker, Boston, Masachusettes tự hào khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm việc ở đây và hiện vật lưu giữ là chiếc bàn nơi Người đã làm việc. Hình ảnh vẽ bằng sơn nổi bật trên bồn xăng Rainbow Swash trên đường vào thành phố Boston đã trở thành một biểu tượng vì nhiều người Mỹ tin rằng đó là hình của Hồ Chí Minh. Tại Berkeley (California), công viên Frances Willard được các nhà hoạt động xã hội đặt tên là Công viên Hồ Chí Minh...
Tượng đài Bác ở 20 nước trên 4 châu lục
Đến nay, việc dựng tượng/tượng đài tưởng niệm Bác đã được thực hiện tại khoảng 20 nước trên thế giới ở cả Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi. Nhiều khu di tích tưởng niệm, bảo tàng, công viên mang tên Bác được xây dựng tại những địa bàn Bác đã từng sống và hoạt động, chủ yếu ở Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Pháp. Trong đó, có 2 khu tại Lào, 4 khu tại Thái Lan, 8 khu và nhà tưởng niệm tại Trung Quốc…
Tại Pháp, ngoài Di tích số 9 ngõ Compoint, nơi Bác đã sống trong những năm 1921-1923, Không gian Hồ Chí Minh tại bảo tàng Lịch sử sống, thành phố Montreuil, ngôi nhà số 1 tại thành phố cảng Le Havre,... mới đây, Đại sứ quán tại Paris đã tìm ra khu vườn Thị trưởng thị trấn St-Adresse và tòa nhà Bác đã từng là người làm vườn ở đó.
Tại Ấn Độ sắp mở “Góc Việt Nam và Hồ Chí Minh” tại Thư viện Quốc gia Kolkata lớn nhất của nước này…
Các hoạt động đặt bia tưởng niệm, gắn biển đồng ở những nơi ghi dấu tích Bác như: số 9 ngõ Compoint, Paris (Pháp); ở London (Anh), Milan (Ý), New Heaven (Anh), Vladivostok (Nga), Kolkata (Ấn Độ), Viện bảo tàng Văn minh châu Á (Singapore), Cảng Phòng Thành, Nam Ninh (Trung Quốc)...
Bình luận (0)