Ngày 12-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội (CENSOGOR), một đối tác của tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam, tổ chức hội thảo “Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể”.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị xã hội, phát biểu
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc CENSOGOR, cho rằng doanh nghiệp (DN) đóng vai trò “mắt xích kép”, vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Kết quả khảo sát đưa ra tại hội thảo cho thấy có 66% DN đã trả phí; 59% DN FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan.
“Hình ảnh lãnh đạo DN đang bị “đi xuống” trong con mắt người dân Việt Nam: 38% người Việt Nam đánh giá lãnh đạo các DN là 1 trong top 3 nhóm đối tượng tham nhũng nhất”- bà Nguyễn Thị Kiều Viễn dẫn số liệu khảo sát. Do đó, việc hành động tập thể sẽ tạo cơ hội ứng dụng và triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng giữa các DN, tạo cơ hội góp tiếng nói và kiến nghị đến Chính phủ và các bên liên quan.
Theo báo cáo của CENSOGOR, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đang ngày càng đe doạ tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế và gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội. Tham nhũng làm xói mòn tinh thần kinh doanh liêm chính, khởi nghiệp sáng tạo, cản trở cạnh tranh lành mạnh và giảm chất lượng của nền kinh tế thị trường.
Đặc biệt, tham nhũng tạo ra các luồng tiền bất hợp pháp dưới hình thức các khoản trốn thuế, hối lộ và rửa tiền.
DN cần phải cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước và người lao động; công khai, minh bạch trong hoạt động DN; khuyến khích tố cáo tham nhũng, cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan nhà nước trong giải quyết vụ việc có dấu hiệu tham nhũng…
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng thư ký VCCI, cho biết các DN quy mô vừa và nhỏ Việt Nam cần học hỏi và ứng dụng các phương cách chống hối lộ, giúp họ có thể tham gia vào thị trường kinh tế toàn cầu.
Bình luận (0)