Ngày 8-5, buổi khảo sát chuyên đề về tình hình thực hiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh của HĐND TP HCM trở thành buổi bàn phương án xử lý sự cố hóa chất của Công ty TNHH Tân Hùng Thái khi các đơn vị bất ngờ thông tin về việc hơn 500 tấn hóa chất của công ty này và bột phòng cháy chữa cháy tràn xuống kênh 6.
Đắp đất “nhốt” hóa chất
Ông Đoàn Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, báo cáo: Ngày 16-4, một vụ cháy nổ lớn xảy ra tại kho chứa hóa chất của Công ty TNHH Tân Hùng Thái nằm trong KCN Lê Minh Xuân. Do đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố này nên các đơn vị chức năng lúng túng trong cách giải quyết, chỉ tập trung chữa cháy.
Sau khi phát hiện hóa chất chảy xuống kênh, huyện huy động lực lượng đắp đất ở hai đầu kênh ngăn hóa chất lan ra xa. Toàn bộ lục bình, cá, ốc… trong khoảng 600 m kênh nhiễm hóa chất đã chết sạch.
“Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết đã có đơn vị báo giá xử lý khoảng 2-3 tỉ đồng gồm bơm nước ra, hút bùn xử lý… Đề nghị sở nhanh chóng thẩm định phương án xử lý cũng như chủ trì khắc phục hậu quả sự cố hóa chất này” - ông Nhựt kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Ban Quản lý các KCX - KCN (Hepza), thông tin thêm: Công ty Tân Hùng Thái chuyên sản xuất hóa chất sử dụng trong thực phẩm, phần lớn hóa chất là chất a xít nên khả năng hủy hoại sinh vật rất cao.
“Trước kia, hóa chất theo đường nước ngầm chảy ra thôi mà đã làm cây cỏ ở KCN Lê Minh Xuân mất màu. Giờ đây, hơn 500 tấn hóa chất phần thì bốc hơi, phần tràn thẳng ra kênh, hậu quả còn nghiêm trọng đến đâu?” - bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, đắp đất ngăn dòng chảy chỉ là giải pháp tình thế vì phân nửa lượng nước mưa của KCN Lê Minh Xuân chảy vào kênh 6, tạm thời có thể chặn không cho thoát qua kênh khác nhưng nếu có một cơn mưa lớn, nguy cơ vỡ đê, chất độc lan ra ngoài rất cao.
Cần giải pháp hơn truy trách nhiệm
Theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, trách nhiệm chủ trì của Sở TN-MT không phải đến hôm nay các đơn vị mới đề nghị mà ngày 25-4, Chủ tịch UBND TP đã có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì thực hiện khảo sát, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến môi trường, đưa ra giải pháp khắc phục…
Lý giải về việc chậm trễ này, ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết theo luật, đơn vị gây ra sự cố hóa chất phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại nhưng Công ty Tân Hùng Thái đã có văn bản gửi các đơn vị chức năng trình bày đang gặp khó khăn. Do đó, Sở TN-MT đề nghị KCN Lê Minh Xuân tạm ứng chi phí cho việc khắc phục vì đơn vị cho thuê đất nên cũng có trách nhiệm liên đới.
Tuy nhiên, phía KCN Lê Minh Xuân cho biết cũng đang gặp khó khăn, vả lại trước đó đã hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết sự cố cháy nổ, đắp đê đất ngăn hóa chất…
“Khi các đơn vị liên đới không đủ năng lực xử lý thì cơ quan chức năng mới làm việc này. Chúng tôi phải làm qua các bước để xác định trách nhiệm rõ ràng vì chúng tôi từng gặp phải rắc rối với lực lượng cảnh sát môi trường khi xử lý hóa chất trong dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi.
Sau khi xác định xong, sở đã có văn bản đề xuất UBND TP giao sở chủ động tìm đơn vị chuyên môn xử lý và giao Hepza tạm ứng ngân sách xử lý. Chậm thì có phần chậm nhưng phải đánh giá, phân tích thấu đáo chứ không phải do thế này, thế kia..” - ông Sơn trình bày.
Không đồng tình với cách lý giải của ông Sơn, ông Đông đặt ngược vấn đề: “Trong khi chưa xử lý được số hóa chất này, nếu một cơn mưa xuống, đê vỡ, hóa chất chảy tràn ra hệ thống kênh thủy lợi, gây ảnh hưởng khoảng 2.000 ha đất lúa của người dân, cơ quan chức năng đã có giải pháp nào đối phó chưa?
Tôi đề nghị anh Sơn về báo lại với giám đốc Sở TN-MT khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý. Đề nghị Hepza thống kê toàn bộ số kho hóa chất trong các KCX-KCN để có biện pháp ứng phó sự cố” - ông Đông yêu cầu.
Lỗ hổng quản lý
Sau vụ cháy nổ ngày 16-4, Hepza đã tổ chức kiểm tra 16 DN kinh doanh hóa chất hoặc có sử dụng hóa chất khối lượng lớn. Kết quả, có 5 DN thuộc đối tượng phải xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng chỉ 2 DN có phương án. Vì vậy, Hepza đề nghị Sở Công Thương rà soát, chỉ đạo các DN hoạt động liên quan đến hóa chất nhanh chóng xây dựng phương án ứng phó sự cố và tham vấn ý kiến Hepza khi cấp phép hoạt động cho những DN này tại các KCX- KCN. Bên cạnh đó, kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở TN-MT làm đầu mối soạn thảo quy chế phối hợp giữa các đơn vị khắc phục hậu quả khi xảy ra các sự cố về môi trường.
Bình luận (0)