Con số cam kết viện trợ phát triển chính thức (ODA) 7,386 tỉ USD nói trên được đưa ra tại Hội nghị Nhóm Tư vấn Các nhà tài trợ cho Việt Nam 2011 (CG 2011) tổ chức ngày 6-12 tại Hà Nội. Đại diện các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hiệp châu Âu (EU), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đại sứ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đại diện Nhóm G4... khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế.
Đưa lạm phát xuống 9%
Phát biểu với các nhà tài trợ tham dự CG 2011 với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát đã được kiểm soát, giá cả đã giảm liên tục trong 6 tháng qua.
Thủ tướng nhấn mạnh: Xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 tăng khá cao, trên 30%. Bên cạnh đó, cán cân thanh toán của Việt Nam sau 3 năm liên tục bị thâm hụt đã bội thu vào năm 2011 và dự trữ ngoại tệ cũng đã tăng lên so với năm 2010, số hộ nghèo giảm 2%, giải quyết được 1,6 triệu việc làm. Theo đà này, năm 2012, Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở khoảng 9%.
Lãi suất tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng có xu hướng giảm cùng với việc giảm CPI. Thủ tướng cho rằng: “Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành theo xu hướng này để giữ ổn định đồng tiền Việt Nam và giữ ổn định thị trường tín dụng; đồng thời tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6% trong năm 2011 để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và an toàn an sinh xã hội”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà tài trợ tại hội nghị. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Các nhà tài trợ đã đưa ra những đánh giá, góp ý về điều hành, định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Theo đánh giá của WB, nợ công của Việt Nam vẫn an toàn, song đã xấu đi nhiều kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu cuối năm 2008. Tổng số dư nợ công ước tính bằng 57% GDP, trong đó, nợ trong nước và nước ngoài của Chính phủ là 46% GDP.
Trong khi đó, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, nêu rõ kinh nghiệm từ các nước cho thấy việc chậm phản ứng dẫn đến khủng hoảng sẽ khiến giá phải trả rất đắt. “Việt Nam cần thực hiện chương trình tái cải tổ ngay bây giờ, hơn là bị buộc phải tái cải tổ sau khi khủng hoảng tràn tới. Thời điểm để hành động là lúc này” - bà khuyến nghị.
Đẩy nhanh giải ngân ODA
Theo các chuyên gia, mấu chốt của câu chuyện thu hút ODA ở Việt Nam vẫn nằm ở tốc độ cũng như hiệu quả triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết: Giải ngân năm 2011 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2012, Chính phủ sẽ có nhiều cải cách về giải ngân để nguồn vốn quý báu này được sử dụng hiệu quả hơn.
Bà Victoria Kwakwa cho biết trong năm 2011 đã có gần 40 dự án sử dụng vốn của nhà tài trợ đa phương lớn nhất này tại Việt Nam hoàn tất và đều được đánh giá từ trung bình đến tốt. Bà nhận xét: “Tôi không thấy có cơ sở nào để cho rằng Việt Nam sử dụng thiếu hiệu quả nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, rõ ràng là các bạn có thể làm tốt hơn, cả về tốc độ giải ngân lẫn hiệu quả dự án”.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức giải ngân ODA trong cả năm 2011 có thể đạt khoảng 3,65 tỉ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2010. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng mức giải ngân vẫn khá thấp so với mức thống kê trung bình của WB do tiến độ thực hiện của nhiều dự án ODA còn rất chậm.
Bộ trưởng cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân và một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là chậm trễ trong khâu phê duyệt và chuẩn bị cho dự án; có những dự án kéo dài đến 2-4 năm. Ông Vinh đề xuất: “Để khắc phục, theo tôi, cần phải có sự nỗ lực từ hai phía, giữa các cơ quan Nhà nước Việt Nam và các nhà tài trợ. Việc hài hòa các thủ tục và lợi ích của cả hai bên là rất quan trọng”.
Cam kết sử dụng hiệu quả vốn ODA
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Bên cạnh những nỗ lực huy động các nguồn lực trong nước, Việt Nam đánh giá cao và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu từ cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Về phần mình, Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế.
Trước mắt, Chính phủ sẽ thúc đẩy việc giải ngân các dự án ODA nhanh hơn, hiệu quả hơn. “Chính phủ Việt Nam trân trọng tiếp thu những ý kiến xây dựng, có trách nhiệm của các nhà tài trợ quốc tế đóng góp cho chương trình xây dựng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới” - Thủ tướng bày tỏ. |
Bình luận (0)