Chiều 14-2, ngay sau xảy ra sự việc nhiều người tử vong nghi do ngộ độc thực phẩm tại xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, một đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến tỉnh này để điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.
Ngộ độc hàng loạt
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 10-2, gia đình ông Phu Vần Lèng (SN 1957, dân tộc Hà Nhì) ở xã Ma Ly Chải tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến 22 giờ cùng ngày, ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau đó, gia đình tổ chức hậu sự cho ông Lèng trong 3 ngày từ 11 đến 13-2 theo phong tục. Gia đình có mời đồng bào trong bản đến ăn cơm, uống rượu. Đến chiều 13-2, nhiều người cùng bị đau đầu, buồn nôn giãn đồng tử và tử vong. Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu Sở Y tế và các ban ngành kịp thời cấp cứu tại chỗ, thu giữ các mẫu thực phẩm để xét nghiệm.
Chiều 14-2, ông Kiều Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu, nhận định vụ ngộ độc tại địa phương được đánh giá là rất nghiêm trọng. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo tập trung tất cả các nguồn lực để cứu chữa các nạn nhân, đồng thời tiếp tục rà soát, tìm kiếm các nạn nhân còn lại nếu có mà chưa được phát hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, đến 20 giờ cùng ngày, đã có 40 người liên quan đến vụ ngộ độc phải nhập viện, trong đó có 5 phụ nữ và trẻ em. 7 người tử vong nằm trong độ tuổi từ 35-60, đều là người dân tộc Hà Nhì. Một trường hợp trong số này tử vong khi đang đi làn nương, số còn lại tử vong trên đường đi cấp cứu hoặc đang được cấp cứu.
Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho hay ngay chiều 14-2, một đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã đến tỉnh Lai Châu để điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc đau lòng này. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh huy động các thầy thuốc giỏi; bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn nhằm hạn chế tối đa tử vong. Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Bạch Mai cũng được cử về địa phương hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân.
Theo lời khai của các nhân chứng, các nạn nhân đã uống rượu (mua tại xã Sì Lờ Lầu) và ăn kẹo lạc (do Trung Quốc sản xuất) tại đám ma. Sau đó, nhiều người có dấu hiệu ngộ độc và tử vong.
Nghi ngộ độc do rượu
Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, hiện cơ quan y tế đã lấy tất cả mẫu thực phẩm, rượu trong bữa cỗ để gửi đi kiểm nghiệm. Test nhanh mẫu rượu cho kết quả âm tính với cồn công nghiệp methanol. Tuy nhiên, để kết luận nguyên nhân ngộ độc chính xác cần phải kiểm nghiệm thêm đồng thời căn cứ trên giám định pháp y.
Nhận định ban đầu về nguyên nhân các ca tử vong này, một bác sĩ ở Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết khả năng lớn là các nạn nhân đã bị ngộ độc rượu.
Trước đó, chia sẻ về tình hình ngộ độc rượu, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, khẳng định thời gian qua, BV này thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol (rượu methanol). Hậu quả do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol rất nặng nề. Người bệnh có thể bị tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng. Người uống rượu có nồng độ methanol trong máu đến ngưỡng 20 mg/dl đã bị đe dọa tổn thương thần kinh.
Với những người ngộ độc rượu methanol, dù được cấp cứu lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng bệnh nhân vẫn sốc, huyết áp tụt, nhiều trường hợp phải thở máy nhưng phần lớn là bệnh nhân không qua khỏi, gia đình xin về. Nếu qua khỏi cũng để lại di chứng cao như mù, giảm thị lực, mất trí nhớ…
Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo ngộ độc rượu đứng hàng thứ 3 gây tử vong sau tim mạch và ung thư. Trong đó, ngộ độc methanol đặc biệt nguy hiểm. Đáng nói là rượu methanol khi uống vào cũng như các loại rượu thông thường nhưng sau 1-2 ngày, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mờ mắt, sau đó xuất hiện trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc rồi dẫn đến tử vong. Điều đáng ngại là không thể nhận biết rượu methanol bằng mắt thường hay uống thử.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đang trở thành quốc gia tiêu thụ rượu, bia cao nhất Đông Nam Á với khoảng 3 tỉ lít bia và 68 triệu lít rượu/năm. Đáng nói, trong số lượng rượu bia được tiêu thụ có rất nhiều rượu giả, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn. Thống kê trong giai đoạn năm 2007-2015 đã có 30/63 tỉnh, thành phố ghi nhận xảy ra ngộ độc rượu với 87 vụ. Hầu hết các loại rượu đã sử dụng gây ngộ độc đều là rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bình luận (0)