Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về sử dụng rượu bia tại Việt Nam vừa được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức vào sáng 26-9 tại Hà Nội. Những số liệu tại hội thảo cho thấy người sử dụng rượu bia tại Việt Nam đang trẻ hóa; tai nạn, bệnh tật do rượu ngày càng gia tăng.
“Bợm nhậu” ngày càng trẻ
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về sử dụng rượu bia (sau Thái Lan), đứng thứ 10 của châu Á, thứ 29 của thế giới. “Kinh tế phát triển, điều kiện sống phát triển nhưng không thể nhanh bằng con số sử dụng rượu bia” - ông Long nhận định.
Nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế và WHO cho thấy hơn 77% nam giới trưởng thành có sử dụng rượu bia và gần một nửa uống ở mức gây nguy hại. Theo ông Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tỉ lệ uống rượu bia ở nam giới trưởng thành hiện Việt Nam đứng đầu thế giới (chiếm đến 77%). Tỉ lệ này ở châu Mỹ là 70%, châu Phi 40%, châu Á 73% và tính chung toàn thế giới là 48%.
Tỉ lệ nam giới dùng rượu bia ở mức độ có hại năm 2010 là 25% thì đến năm 2015, tỉ lệ này đã trên 44%. Đáng nói là có tới gần 50% nam giới trẻ tuổi (18-29 tuổi) uống hơn 65 ml cồn nguyên chất/lần (tương đương với 5 lon bia hoặc 5 ly rượu nhỏ 40 độ). Trong khi đó, từ 60 ml cồn nguyên chất/lần đã được coi là mức nguy hại. “Tỉ lệ uống nguy hại, trung bình toàn cầu là 12,3%, trung bình của châu Âu là 25%” - ông Bảo lưu ý.
Một thực tế đáng báo động là việc sử dụng rượu bia ở nam giới ngày càng trẻ. Theo nghiên cứu trên, tuổi bắt đầu uống rượu bia cũng sớm hơn so với các điều tra trước, với 43% học sinh uống cốc đầu tiên trước 14 tuổi; 22,5% học sinh từng uống rượu say ít nhất một lần. “Các nghiên cứu cho thấy người uống rượu trước 15 tuổi so với người bắt đầu uống khi 21 tuổi có khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực cao gấp 6 lần” - ông Bảo cảnh báo.
Cấm bán rượu bia sau 22 giờ!
Ước tính mỗi năm, người Việt tiêu thụ 3,4 tỉ lít bia, 70 triệu lít rượu có đăng ký và khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia của WHO tại Việt Nam, đặt câu hỏi: “Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?”. Một chuyên gia khác dẫn lời của đoàn chuyên gia nước ngoài khi đến Hà Nội làm việc nói rằng: “Ở Hà Nội, tìm nhà vệ sinh khó, tìm thư viện khó nhưng quán nhậu thì khắp nơi!”.
Theo ông Nam, Việt Nam hiện là một trong 12 nước còn cho người dân sản xuất rượu, cùng với đó là đồ uống có cồn rất sẵn và giá rẻ là nguyên nhân gây lạm dụng rượu bia. Khảo sát trên 1.840 bệnh nhân bị tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia.
Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng nếu không có biện pháp mạnh thì Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về sử dụng rượu bia trong thời gian tới. “Có một số điều luật ở Việt Nam, mọi người cho là mới, thậm chí gây tranh cãi nhưng thực tế trên thế giới đã thực hiện từ lâu và cho hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn như cấm bán rượu bia sau 22 giờ” - ông Long nói.
Chia sẻ về đề xuất từng gây nhiều tranh cãi trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết các chuyên gia đang xem xét việc cấm bán rượu bia sau 22 giờ hoặc 24 giờ. Theo nghiên cứu của một số tổ chức trên thế giới, uống rượu bia từ 20-24 giờ tác động đến sức khỏe con người rất lớn, nhất là hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, trong khi đây là khoảng thời gian cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Cùng với đó, tỉ lệ bị tai nạn giao thông vào giờ này rất cao.
“Tuy vậy, nhưng nếu quy định này được đưa vào luật vẫn sẽ có cơ chế mềm dẻo, ngoại lệ cho những thành phố lớn, khu vực có nhiều khách du lịch nước ngoài... Dự kiến, năm 2018, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia” - ông Quang thông tin.
Gia tăng hoang tưởng do rượu
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo không có một tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Lý do là nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học của từng người cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau. Điều đó có nghĩa không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn.
Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết hoang tưởng do rượu là dạng bệnh lý thường gặp và đang gia tăng trong những năm gần đây. Trong đó, hoang tưởng ghen tuông và bị truy hại là những triệu chứng chủ yếu của hoang tưởng do rượu. Với những trường hợp này thường có hành vi tấn công người khác.
Bình luận (0)