Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 18 giờ ngày 30-9, bão số 9 đã làm 74 người thiệt mạng (Thừa Thiên - Huế: 6, Đà Nẵng: 3, Quảng Nam: 5, Quảng Ngãi: 22, Bình Định: 6, Phú Yên: 1, Kon Tum: 21, Lâm Đồng: 2, Đắk Nông: 2, Quảng Trị: 5. Quảng Bình: 1); 12 người mất tích, 179 người bị thương; hơn 323.200 nhà bị sập, trôi, hư hỏng hoặc đang bị ngập; 12.300 trạm y tế, trụ sở UBND xã, công trình công cộng bị hư hỏng, ngập...
Bà Nguyễn Thị Liễu ở xã Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng than khóc vì đứa con trai duy nhất đã bị mất tích. Ảnh: H.DŨNG
Tại Thừa Thiên - Huế, lũ dâng cao, cô lập và chia cắt nhiều vùng. Hầu hết các đoạn quốc lộ, tỉnh lộ về các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà... đều ngập sâu trong lũ. Quốc lộ 49 về các xã ven biển của huyện Phú Vang ngập sâu gần 1 m.
Ông Phan Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, cho biết hiện còn 3 xã đang bị chìm sâu trong nước và bị cô lập hoàn toàn gồm Phú Thanh, Phú Mậu, Phú Lương. Do nước lũ cao và chảy xiết nên việc cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn.
Tại TP Đà Nẵng, trời tạnh mưa vào sáng 30-9 nên ngành điện lực đã điều động toàn bộ lực lượng sửa mạng lưới điện để kịp phục vụ người dân. Đến 17 giờ, trên 70% khu vực nội thành đã có điện. Ngành viễn thông cũng đã chủ động khắc phục hệ thống truyền dẫn. Nước lũ dâng cao đã chia tách Quốc lộ 1A gây ách tắc giao thông, hàng trăm xe tải nối đuôi nhau dài hàng km. Nhiều người dân không kịp về ứng cứu nhà cửa. Toàn TP có hơn 180 ngôi nhà bị sập; 1.719 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 4.950 nhà bị ngập; 65.500 m3 đất đá bị sạt lở cuốn trôi; 6 công trình thủy lợi bị hư hại nặng...
Quảng Nam có hơn 5.000 ngôi nhà bị sập; 162.000 nhà bị tốc mái; trên 50.000 ngôi nhà tại vùng hạ lưu sông Thu Bồn, Vu Gia và sông Trường Giang bị ngập sâu trong nước. Ngoài ra, có khoảng 1.000 ha lúa hè thu đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch ở các khu vực trũng thấp bị ngập, thiệt hại trên 80%; 3.000 ha cây màu bị ngập úng, hư hỏng...
Tỉnh đã phân công 9 đoàn công tác về các địa phương để chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ. Đến 14 giờ, hàng ngàn nhà dân tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP Hội An vẫn chìm sâu trong lũ. Tuyến Quốc lộ 1A bị lũ chia cắt.
Trong sáng 30-9, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng
Bà Nguyễn Thị Kim Năm, Chánh Văn phòng UBND TP Hội An, cho biết TP đã di dời gần 10.000 dân đi tránh bão, trong đó có 1.600 người di dời tập trung. Chỉ sau khi di dời tránh bão một ngày, TP lại phải tiếp tục di dời hàng ngàn người dân đi tránh lũ.
Ba mẹ con của một gia đình ở xã Cẩm Kim, TP Hội An đang đi trốn lũ. Ảnh: K.NGÂN
Tại Quảng Ngãi, chiều 30-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kiểm tra tình hình thiệt hại tại huyện đảo Lý Sơn và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo ông Cao Thành Đồng, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, bão số 9 đã làm vỡ đê xoay khiến nước biển tràn vào cửa ụ số 1 làm ngập buồng bơm, máy chính của tàu 154.000 tấn làm các thiết bị này hư hỏng nặng; nhiều nhà xưởng bị tốc mái, ngập nước, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 450 tỉ đồng; toàn bộ 5 nhà xưởng của Công ty Doosan Vina cũng bị tốc mái, một giàn cẩu bị gãy đổ ước thiệt hại gần 10 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các đơn vị đã nỗ lực khởi động nhà máy đúng tiến độ đề ra và đề nghị ban quản lý dự án, nhà thầu chính Technip phải nỗ lực hơn nữa để nhà máy hoạt động an toàn và đúng tiến độ.
Tại Gia Lai, hơn 2.000 ha lúa, hoa màu bị ngập úng; gần 15.000 trụ tiêu cùng hàng chục hecta cao su bị gãy đổ, gần 700 nhà dân bị tốc mái, 55 trụ sở xã và phòng học bị hư hỏng... Huyện Mang Yang có 5 xã đang bị cô lập.
Kon Tum đã hết mưa to nhưng nước ở tất cả các sông, suối vẫn còn ở mức cao. Đến 10 giờ ngày 30-9, toàn tỉnh đã có 21 người chết và 2 người mất tích đều do sập nhà, sạt lở núi đè và nước lũ cuốn trôi. Giao thông ở tất cả các tuyến huyết mạch như đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14 C và phần lớn các tuyến tỉnh lộ vẫn chưa được khai thông nên Kon Tum cơ bản vẫn bị cô lập với bên ngoài.
Một người bị chết trong lũ ở Kon Tum được lực lượng cứu hộ tìm thấy. Ảnh: TTXVN
Đường bộ thiệt hại 48 tỉ đồng
Cục Đường bộ VN ước tính thiệt hại do ngập úng, hư hỏng công trình cầu đường trên hệ thống đường bộ miền Trung lên đến 48 tỉ đồng. Nặng nhất là Quốc lộ 14 (khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông) thiệt hại khoảng 15 tỉ đồng do mặt đường bị lún trên diện rộng gần 300 km.
|
Bình luận (0)