Cuộc họp của Vinacomin lo ứng phó, khắc phục hậu quả đợt mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh
Chiều ngày 30-7, tại cuộc họp về công tác ứng phó, khắc phục với mưa lũ của ngành than Quảng Ninh, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định: “Trận mưa lũ lịch sử trong vòng 40 năm qua đã gây tổn thất nặng nề cho ngành than, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của khoảng 80.000 thợ mỏ; gián đoạn cung cấp than cho các hộ tiêu thụ. Mặc dù chưa xác định hết nhưng con số thiệt hại đã tăng lên 1.000 tỉ đồng”.
Trong khi đó, theo báo cáo ngày 30-7 của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), mưa lớn những ngày qua ở Quảng Ninh đã làm ngập lò mức -175 mỏ than Ngã Hai (Công ty Than Quang Hanh); ngập lò mức -250 khu Đông Bắc Mông Dương (Công ty CP Than Mông Dương); bồi lấp trạm xử lý nước thải +25 Núi Nhện (Công ty TNHH MTV Môi trường); kho than tại Công ty Tuyển than Hòn Gai, Kho Vận Hòn Gai, Kho vận và Cảng Cẩm Phả bị vỡ đê bao, sạt lở, ngập úng; các tuyến đường chuyên dụng, tuyến đường sắt vận chuyển than của Công ty tuyển than Cửa Ông, tuyển than Hòn Gai bị hư hỏng nặng, giao thông bị chia cắt ngừng trệ...
Thống kê đến 14 giờ ngày 30-7, thiệt hại của Than Hòn Gai là 106 tỉ đồng; Tuyển than Cửa Ông là 5 tỉ đồng; Than Cao Sơn là 400 triệu đồng; Than Mạo Khê 1 tỉ đồng; Than Hà Tu 10 tỉ đồng; Than Quang Hanh 120 tỉ đồng; than Cọc Sáu 28 tỉ đồng; Công ty CP Than Đèo Nai 40 tỉ đồng; Tây Nam Đá Mài 55 tỉ đồng; Cọc Sáu 28 tỉ đồng; Dương Huy 30 tỉ đồng....
Do ảnh hưởng của mưa lớn và các sự cố trên, Vinacomin đã dừng mọi hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh, tập trung vào phòng chống mưa lũ.
khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra ở mỏ Mông Dương
Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN đã đi kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp khắc phục sự cố và ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo. Các đơn vị bị ảnh hưởng lớn đã tập trung nhân lực, huy động tối đa thiết bị để khơi thông mương nước, ngăn chặn bùn đất chân bãi thải; đóng phai chắn và cửa kín ngăn nước xuống giếng phụ để chống nguy cơ ngập mỏ tại các khu vực trung tâm...
Đặc biệt, để có thể khắc phục sự cố, khôi phục được sản xuất trong thời gian sớm nhất, các đơn vị phải tranh thủ, chạy đua với thời tiết để kiểm soát ngay những khu lò cũ, than lộ vỉa có nguy cơ ngập nước; những chỗ nào là điểm nóng, điểm nguy cơ cao sẽ giải quyết trước. Đặc biệt, hạn chế tối đa thiệt hại phát sinh do ý thức chủ quan gây ra và phải lấy thợ mỏ, người dân làm trung tâm, ưu tiên hàng đầu...
Ông Chuẩn cho biết thêm Tập đoàn sẽ trích từ quỹ lương dự phòng và sẽ họp bàn, đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng đơn vị. Đối với những hộ tiêu thụ than lớn như Nhiệt điện Vũng Áng, Vĩnh Tân, Duyên Hải 1... Tập đoàn sẽ đề nghị các đơn vị này cân đối lại sản xuất và điều chỉnh lại nhịp độ cung cấp than.
Bình luận (0)