Ba (Hà Quang Định) phải tội mắn đẻ, cưới vợ đầu - mẹ Tân Ninh - 6 năm đã có 3 người con, đó là các anh chị Hà Quang Hiến, Hà Quang Tuyên, Hà Thị Phi Yến. Về sau cưới má Ái Liên trong vòng 23 năm cũng sinh được 11 người con nữa. Tôi thứ chín, sau tôi còn 2 em là Hà Thị Ái Xuân và Hà Thị Ái Thanh. Trước tôi, có 3 anh chị đã mất từ nhỏ (Hà Quang Nam, Hà Quang Đạt, Hà Thị Ái Hoa), còn lại là các anh chị: Hà Thị Ái Loan, Hà Quang Sơn, Hà Quang Văn, Hà Thị Ái Mai, Hà Quang Thành.
Ban nhạc gia đình
Ba hay nói: “Nhà mình phải là một ban nhạc”. Quả đúng vậy. Không biết ban nhạc gia đình có từ lúc nào, khi tôi lớn lên thì nó đã được sinh hoạt rất nền nếp. Có lẽ ban nhạc bắt đầu từ khi cả nhà về ở nhà 36-38 phố Huế năm 1945 cho tới khi má mất (năm 1991), hơn nửa thế kỷ chứ không ít.
ái vân
Ban nhạc gia đình bắt đầu từ khi có chị Ái Loan, anh Quang Sơn. Thoạt đầu là các buổi hòa nhạc dân tộc, má đánh đàn kìm, chị Ái Loan đàn tranh, anh Sơn gõ phách. Rồi má dạy hát. Dạy chị Ái Loan ca cải lương, dạy anh Sơn ca nhạc cổ hát dân ca. Chị Phi Yến cũng tham gia ban nhạc gia đình, múa hát theo điệu “Cò lả” cùng chị Ái Loan và anh Sơn.
Một số thành viên trong ban nhạc gia đình của nghệ sĩ Ái Vân thời trước. (Ảnh tư liệu của tác giả)
Ba năm sau, ban nhạc gia đình có thêm anh Quang Văn. Má đánh đàn kìm hát 6 câu vọng cổ, chị Ái Loan ca liên khúc “Cò lả - Trống quân”, anh Sơn và anh Văn thay nhau đánh trống gõ phách hát hát nhảy nhảy múa múa. Đôi khi má dựng những lớp nhạc kịch tự biên tự diễn để các con làm quen với loại hình operet. Nhờ đó chùm nhạc kịch “Mai Sinh viếng mộ Hỷ Đồng”, “Mai Lan viết thư”, “Con thuyền không bến” cả chị Ái Loan, anh Sơn, anh Văn đều có vai.
Ba năm sau nữa có thêm chị Ái Mai, anh Thành rồi tôi và Ái Xuân. Chúng tôi hợp lại thành gánh nhạc mini khá độc đáo. Bài tập hằng ngày là hòa tấu những bản nhạc hết sức kinh điển mà đến tận bây giờ mỗi khi có chương trình ca múa nhạc dân tộc, các bản này vẫn được các nghệ sĩ biểu diễn. Đó là các bản “Lưu Thủy - Kim Tiền - Xuân Phong - Long Hổ”.
Những buổi sinh hoạt ban nhạc gia đình thường diễn ra tùy hứng, không có ngày nhất định, có thể vào buổi chiều hoặc tối…
Vai diễn đầu tiên
Câu ca đầu tiên, tôi được ngoại dạy, bài hát đầu tiên được nghe má hát. Suốt ngày đêm được xem má và các anh chị diễn kịch và ca hát. Ngày đi xem tập, đêm đi xem diễn. Hết xem cải lương Nam Bộ đến xem kịch nói trung ương, xem nhiều tới mức thuộc lòng lời ca tiếng hát các nhân vật, các câu thoại dài dằng dặc cũng thuộc làu.
Thèm lên sân khấu kinh khủng, nhiều đêm nằm mơ mình được lên sân khấu sướng ngây ngất. Tỉnh rồi vẫn còn sướng.
Đoàn Cải lương Nam Bộ - nơi má làm việc - mỗi lần tập vở mới thì má đều cho tụi nhỏ chúng tôi đi xem. Một lần vở diễn cần diễn viên quần chúng đóng dân quân du kích ôm súng chạy qua sân khấu.
Buồn ngủ gặp chiếu manh, chị Ái Mai, anh Thành, Ái Xuân và tôi vây lấy má nhờ má xin phép chú Công Thành (đoàn trưởng) cho lên sân khấu. Chú Công Thành đồng ý. Bốn chị em hăm hở mặc bộ đồ dân quân du kích miền Nam, đội mũ tai bèo, sẵn sàng đợi lệnh. Chú Công Thành ra hiệu chạy, bốn chị em ôm súng chạy qua sân khấu, vừa chạy vừa hô “xung phong”. Thấy “vai diễn” quá nhanh, chỉ vài giây đồng hồ...
Đoàn Kịch nói Trung ương dựng vở “Câu chuyện Iec-xkut” của Nga. Trong vở có cảnh hai em bé đi câu cá, nhân vật vừa có lời thoại, lại hát hò vui vẻ. Anh Sơn khi đó đang làm ở Đoàn kịch, buổi trưa chạy về nhà thông báo Đoàn kịch tuyển chọn 2 em bé câu cá, nói: “Em có thích tuyển không, chiều anh đưa đi?”. Giời ơi lại còn hỏi nữa. Tôi nhảy lên, nói như reo: “Có! Có!”.
Chiều, anh Sơn đưa tôi đi thi tuyển. Cuộc tuyển chọn lần đầu tiên trong đời, hồi hộp kinh khủng. Hơn chục bé dự tuyển. Cuối cùng, tôi đã được chọn. Lần đầu tiên được diễn trên sân khấu với 2 nghệ sĩ nổi danh thời đó là Anh Thái và Bích Châu. Sướng muốn ngất!
Tám rưỡi. Giờ phút thiêng liêng đã điểm. Tôi và một cậu bé xách cái xô nhỏ chuẩn bị đi câu cá, vừa ra sân khấu vừa hát: Hỡi Mát-xcơ-va, thành phố của ta/ Ngàn đời tươi thắm mến yêu chan hòa/ Hỡi Mát-xcơ-va, thủ đô yêu dấu/ Hát ca vang trời khúc ca hòa bình. Chú Sergei (chú Anh Thái thủ vai) xuất hiện, hỏi trêu: “Ai ngoan mới được đi câu cá!”. Hai đứa nhao nhao: “Cháu ngoan, cháu ngoan...”. Chú bồng tôi trên tay, một tay dắt bạn kia và cả ba chú cháu vui vẻ đi về phía hồ (tức ra khỏi sân khấu).
Có vậy thôi nhưng ngây ngất con cà cưỡng. Vở được công diễn khá lâu, cứ ban ngày đi học, tối đi diễn. Diễn xong là được bồi dưỡng ngay một cái bánh mì và cốc sữa, lại thêm cát-sê 4 hào nữa.
Hát cho đoàn chính quy
Hát cho các đoàn chính quy là nỗi thèm khát của Ái Xuân và tôi. Thỉnh thoảng, 2 chị em vẫn được các đoàn miền Nam gọi đi biểu diễn nhưng đấy chỉ diễn kèm thêm, chúng tôi không có tên trong biên chế của đoàn.
Mơ được ước thấy. Cô Kim Anh, Trưởng Đoàn Ca múa miền Nam, đến gặp ba má tôi ngỏ ý muốn mời Ái Xuân và tôi tham gia một số buổi trình diễn với đoàn. Trước tài thuyết phục của cô Kim Anh và sự năn nỉ ỉ ôi của chị em tôi, cuối cùng ba má cũng gật đầu đồng ý.
Về Đoàn Ca múa miền Nam, chị em tôi vẫn vừa tập vừa học văn hóa vừa thỉnh thoảng đi biểu diễn với đoàn. Vẫn là những tiết mục diễn chung bấy lâu nay, nhất là bài hát “Tía em hết sợ”. Có lần chẳng hiểu sao tôi được lên sân khấu đơn ca bài “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Cảm giác được đơn ca trên sân khấu của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thật là khó diễn đạt: Vừa sung sướng vừa lo lắng và hồi hộp!
Sau này, đúng là duyên nợ, tôi và Đoàn Ca múa miền Nam còn gắn bó nhiều kỷ niệm khó quên nữa…
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-5
Kỳ tới: Ngôi sao nhạc nhẹ
Nghẹn ngào ra mắt hồi ký
Sáng 5-5, tại TP HCM, nghệ sĩ Ái Vân đã ra mắt hồi ký “Để gió cuốn đi” (NXB Hội Nhà văn và First News - Trí Việt ấn hành).
Nghệ sĩ nổi danh một thời này cho biết đã phải mất không dưới 5 năm để suy nghĩ và quyết định kể lại những sự thật đau đớn của đời mình qua cuốn hồi ký này. Theo Ái Vân, điều đau đớn nhất mà chị buộc lòng phải tự quyết định là cắt bỏ 8.808 từ kể về quãng đời đau đớn nhất, nguyên nhân khiến chị phải rời xa Tổ quốc. Nhắc tới quãng thời gian này, Ái Vân khóc nghẹn ngào, không thể nói nên lời.
H.Bình
Bình luận (0)