Sau khi bị tàu Trung Quốc (TQ) đâm chìm ở vùng biển Quảng Trị, tàu cá QNg 98459 TS cùng thuyền trưởng Huỳnh Văn Thạch (ngụ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và 9 ngư dân được đưa về Đà Nẵng vào đầu tháng 1-2016 vừa qua. Gặp chúng tôi, khi nhắc đến chuyện đòi phía TQ đền bù, ông Thạch lắc đầu: “Tôi xem việc tàu của mình bị tàu TQ đâm chìm là chuyện xui rủi và sẽ không tiến hành khởi kiện đòi bồi thường”.
Phía Trung Quốc không thiện chí
Ông Thạch cho rằng việc đòi bồi thường chỉ tốn thời gian mà khó mang lại kết quả vì phía TQ chắc chắn không chịu thừa nhận. “Tôi đã trình báo vụ việc đến cơ quan chức năng để họ nắm sự tình. Giờ đây, tôi lo sửa lại tàu để ra khơi và mong cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu bảo vệ ngư dân đánh bắt trên biển” - ông bày tỏ.
Theo ông Thạch, rất nhiều tàu cá ở Quảng Ngãi từng bị tàu TQ đâm chìm, cướp phá tài sản nhưng hầu hết ngư dân đều xem đó là chuyện “trời kêu ai nấy dạ”, chẳng mấy ai nghĩ đến việc kiện đòi bồi thường. Nếu phía TQ tỏ ra thiện chí thì ngư dân còn có chỗ kỳ vọng, đằng này họ cứ làm ngơ. Vụ việc bà Huỳnh Thị Như Hoa (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90152 TS bị tàu hải cảnh TQ đâm chìm, theo đuổi chuyện kiện tụng trong vô vọng là một minh chứng.
Bà Hoa rầu rĩ: “Tàu của tôi bị đâm chìm vào tháng 5-2014, đến nay đã gần 2 năm. Dù đã tiến hành khởi kiện nhưng gia đình tôi nhờ người dân cả nước ủng hộ, cơ quan chức năng hỗ trợ và vay thêm tiền ngân hàng để đóng tàu mới ra khơi, chứ chờ phía TQ đền bù thì biết đến bao giờ…”.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, gia đình bà Hoa đã thu thập bằng chứng - như hình ảnh, video, lời kể của nhân chứng… - để tiến hành kiện đòi phía TQ bồi thường thiệt hại. “Vụ kiện vẫn đang bế tắc do phía TQ không hợp tác. Gia đình tôi đã giao việc này cho người đại diện pháp luật là luật sư Đỗ Pháp” - bà Hoa cho biết.
Theo luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), hồ sơ, thủ tục khởi kiện phía TQ của chủ tàu cá ĐNa 90152 TS đã hoàn chỉnh cách đây hơn 1 năm. Ngoài những chứng cứ, chứng lý, ông còn thu thập các biên bản hiện trường hôm xảy ra vụ việc do lực lượng Kiểm ngư Việt Nam lập... “Hồ sơ khởi kiện của chúng tôi rất đầy đủ. Với bộ hồ sơ này, chúng tôi có thể làm thủ tục khởi kiện ở các tòa án Việt Nam hoặc quốc tế. Nếu ra tòa, thân chủ của tôi chắc chắn sẽ thắng” - ông tự tin.
Thế nhưng, vụ kiện của bà Hoa đến nay vẫn bế tắc do thiếu… bị đơn. “Chứng cứ tại hiện trường đã chứng minh rõ ràng con tàu TQ đâm chìm tàu bà Hoa là tàu vỏ sắt, số hiệu 11202. Do vụ kiện có yếu tố quốc tế nên bị đơn cần được cơ quan chức năng TQ xác nhận. Bộ Ngoại giao ta đã nhiều lần gửi công hàm tới Đại sứ quán TQ, đề nghị chuyển yêu cầu xác nhận đơn vị chủ quản tàu 11202. Tuy vậy, Đại sứ quán TQ đến giờ vẫn không có thông tin trả lời” - ông Pháp băn khoăn.
Theo luật sư Pháp, phía TQ im lặng là để vụ việc dây dưa khiến nguyên đơn chán nản mà bỏ cuộc. “Về con tàu 11202, chúng tôi đã sang tận TQ tìm hiểu và biết được nó đang thuộc quyền sở hữu của Công ty Phát triển nguồn lực thủy sản TQ, trụ sở tại TP Thượng Hải” - ông tiết lộ.
Trông chờ chính sách hỗ trợ
Cũng có tàu cá bị tông chìm khi đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa vào tháng 9-2015, ông Trần Khắc Thạch (ngụ phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết tài sản thiệt hại là 1,3 tỉ đồng. Sau khi gặp tai vạ trên biển, gia đình ông lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
“Không còn tàu ra khơi, tôi phải đi đánh bắt cho tàu bạn nhưng tiền công không đủ nuôi 2 đứa con ăn học. Hơn 3 tháng nay, tôi ngược xuôi làm thủ tục đòi bảo hiểm mà phía bảo hiểm cứ bắt chờ hoài, không chịu thanh toán. Gia đình còn nợ 200 triệu đồng, phía ngân hàng vẫn tính lãi hằng tháng, tình cảnh hết sức thê thảm” - ông Thạch buồn bã.
Trong khi đó, sau sự cố bị một tàu “lạ” bắn phá, cướp bóc tài sản trị giá gần 500 triệu đồng vào tháng 12-2014, ông Phan Quốc Hùng (ngụ phường Vĩnh Phước), đã vay mượn tiền sửa lại tàu, sắm ngư cụ để tiếp tục ra khơi. Đến nay, ông cơ bản khắc phục được thiệt hại, tàu cá vẫn kiên trì bám biển Trường Sa đánh bắt.
Ông Lê Trọng Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước, cho biết: “Chúng tôi đã tiếp sức anh Hùng bằng việc làm hồ sơ xin hỗ trợ từ các quỹ tấm lòng vàng và từ đóng góp của thành viên nghiệp đoàn. Được hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng, anh Hùng rất cảm động và tình nguyện viết đơn gia nhập nghiệp đoàn”.
Theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, chính sách hỗ trợ ngư dân khi có tàu bị đâm chìm, cướp phá còn thấp. Vì thế, khi ngư dân gặp nạn, chủ yếu chi cục làm hồ sơ xin các quỹ tấm lòng vàng, Hội Nghề cá… hỗ trợ. Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa - cũng đồng tình rằng chính sách hỗ trợ ngư dân gặp nạn là quá thấp, đồng thời đề nghị cần có chính sách bảo đảm cho bà con tiếp tục ra khơi đánh bắt.
Một điều vướng mắc nữa là hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Tính - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang - tàu cá dù được quỹ tấm lòng vàng hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên nhưng khi gặp nạn, phía bảo hiểm chỉ chịu thanh toán nếu tàu chìm, người chết. “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ngư dân, thanh toán các loại bảo hiểm khi tàu gặp sự cố, bị đâm chìm, cướp bóc trên biển” - ông đề đạt.
Kỳ tới: Thiết thực bảo vệ ngư dân
Góp phần khẳng định chủ quyền
Luật sư Đỗ Pháp cho rằng việc ông sát cánh cùng chủ tàu ĐNa 90152 TS quyết tâm theo đuổi vụ kiện phía TQ đến cùng không phải là chuyện riêng của bà Huỳnh Thị Như Hoa hay của ông mà là chuyện chung của ngư dân cả nước, nhất là những người có tàu cá từng vô cớ bị đâm chìm, cướp phá.
“Vụ kiện này là chính đáng để đòi bồi thường thiệt hại do phía TQ gây ra. Vụ kiện cũng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và cả Trường Sa” - ông Pháp nhìn nhận.
Bình luận (0)