Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa hoàn thành dự thảo khung chiến lược phòng chống lũ hạ du sông Sài Gòn gồm TP HCM và Bình Dương. Khung chiến lược nhằm bảo đảm công trình chống lũ an toàn cho khu vực hạ du sông Sài Gòn khi xuất hiện lũ có tần suất từ 5% đến 0,6% (ứng với chu kỳ lặp lại từ 20 đến 167 năm) và mưa 24 giờ với lưu lượng lớn nhất là 135 mm.
58,6 ngàn tỉ đồng chống ngập
Song song với việc xây dựng khung chiến lược, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cũng đưa ra kết quả tính toán giải pháp phòng chống ngập úng hạ du sông Sài Gòn với tổng kinh phí đầu tư lên đến 58,6 ngàn tỉ đồng, chủ yếu đầu tư cho giải pháp công trình.
Cụ thể, xây dựng hệ thống đê dọc sông từ sau đập Dầu Tiếng tại những vị trí có cao trình thấp hơn mực nước lũ. Trước mắt, cần nâng cấp, xây dựng đê bờ hữu từ huyện Hóc Môn xuống cửa sông. Tiếp theo, xây dựng đê bờ tả qua các quận 2, 9, Thủ Đức của TP HCM và huyện Dầu Tiếng, Dĩ An, Thuận An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau đó, nâng cấp đê vùng bờ hữu qua huyện Củ Chi, TP HCM.
Đê bờ hữu sông Sài Gòn qua TP HCM cao từ 2,6 - 3,5 m, bên bờ tả không thể nâng đê nên chỉ có thể nâng cao cốt nền xây dựng tối thiểu là 2,6 m. Đê bờ hữu sông Sài Gòn qua tỉnh Bình Dương nâng cao trình từ 2,7 đến 3,5 m. Giải pháp của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam tuy được đánh giá là cần thiết nhưng kinh phí lấy từ đâu thì vẫn là một câu hỏi chưa đơn vị nào dám trả lời.
Các hoạt động kinh tế tại hồ Dầu Tiếng: khai thác cát, đánh bắt, chăn nuôi… đang gây nhiều tác động tiêu cực lên thân đập
Theo Sở NN-PTNT TP HCM, thành phố đã xây dựng được 61/63 km đê bao, cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn. Sở đang kiến nghị Bộ NN-PTNT cấp vốn thực hiện giai đoạn 2 và cho phép nâng cao trình đê đoạn qua quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn lên 2,5 m. Về phía thượng lưu, kiến nghị nâng cấp hồ Dầu Tiếng để tăng dung tích phòng lũ, giảm xả về hạ du trong mùa mưa bão.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, khi hồ Dầu Tiếng xả lũ quá 500 m3/giây thì mực nước trên sông Sài Gòn vượt mức báo động 3, trong tương lai khi đô thị phát triển thì mực nước còn dâng cao hơn. Nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ đúng theo thiết kế là 2.800 m3/giây thì khoảng 26.000 ha thuộc 111 phường, xã với khoảng 620.000 dân bị nguy cơ ngập úng. Trong trường hợp vỡ đập, sẽ có khoảng 34.000 ha thuộc 125 phường, xã với khoảng 650.000 dân ảnh hưởng. Như vậy, mức độ ngập vùng hạ du sông Sài Gòn ngoài yếu tố mưa, triều cường còn phụ thuộc rất lớn vào việc xả lũ hồ Dầu Tiếng.
Mới đây, TP HCM có đề xuất phân lũ qua hướng rạch Tra, sông Vàm Cỏ, tuy nhiên Bộ NN-PTNT cho rằng không khả thi. Một phương án khác là nâng cao hồ Dầu Tiếng lên 1 m để chứa lũ, với kinh phí 1.972 tỉ đồng nhưng phải cân nhắc vấn đề an toàn đập. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đề xuất một phương án khác là nâng cao đê chống lũ kết hợp với công trình cống. Phương án này có kinh phí đầu tư tương đương nâng cao hồ và ít tác động nên được xem là mang tính khả thi cao.
Hồ Dầu Tiếng vỡ, TP HCM ngập hơn 2 m
Trong khi các cơ quan chức năng bàn về giải pháp trữ lũ trong hồ Dầu Tiếng, TP HCM cũng xây dựng các phương án ứng phó với sự cố hồ Dầu Tiếng. Trường ĐH Thủy lợi đã được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ tính toán các sự cố có thể xảy ra với hồ Dầu Tiếng, trên cơ sở đó xây dựng kịch bản ứng phó cho hạ du. Đối với TP HCM, nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ theo thiết kế hoặc vỡ hồ sẽ gây ngập từ 2 m trở lên, trong đó có 124 điểm thuộc 18 quận, huyện gần sông Sài Gòn, bị ngập nặng.
Cụ thể, nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ theo thiết kế 2.800 m3/giây (hiện nay TP HCM chỉ chịu được mức xả lũ dưới 600 m3/giây), sau 9 giờ 8 phút, lũ sẽ về đến huyện Củ Chi, gây ngập sâu 5,22 m; 28 giờ 12 phút, lũ sẽ về đến trung tâm thành phố, gây ngập sâu 2,04 m. Nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng 3.600 m3/giây (lũ cực hạn 1.000 năm xuất hiện 1 lần), sau 6 giờ 34 phút, lũ về tới huyện Củ Chi gây ngập sâu 5,71 m; 27 giờ 20 phút sẽ về tới trung tâm thành phố gây ngập sâu 2,07 m. Nếu vỡ hồ Dầu Tiếng và không có lũ, sau 3 giờ 17 phút, lũ sẽ về đến huyện Củ Chi gây ngập sâu 10,25 m; 24 giờ sẽ về tới trung tâm thành phố gây ngập sâu 2,15 m.
Trường hợp xấu nhất là vỡ hồ ngay thời điểm lũ cực hạn, sau 2 giờ 8 phút, lũ sẽ về tới huyện Củ Chi gây ngập sâu 11,97 m, 23 giờ sẽ về tới trung tâmt hành phố gây ngập sâu 2,38 m.
Hơn 27.000 người sẽ được huy động
Khi xảy ra sự cố với hồ Dầu Tiếng, dự kiến tổng lực lượng huy động tại TP HCM lên đến hơn 27.000 người, trên 10.000 phương tiện khác nhau. Ngoài ra, các quận huyện cũng tự xây dựng được 609 địa điểm an toàn để di dời dân khi xảy ra sự cố: trụ sở cơ quan, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng… được xây dựng tại các vị trí cao. Sở Công Thương được UBND TP HCM giao nhiệm vụ lên kế hoạch chi tiết về số lượng, loại…. hàng hóa cung cấp, không để xảy ra tình trạng thiếu hay “làm giá” lương thực, thực phẩm. Kế hoạch này sẽ sớm được ban hành để làm cơ sở cho các sở - ngành, quận - huyện xây dựng phương án chi tiết tại địa bàn mình. |
Bình luận (0)