Đối với người dân thủ đô, tin này đúng là hung tin. Bởi lẽ, đường ống nước Sông Đà số 1 làm theo công nghệ Trung Quốc đã vỡ tới 17 lần. Mỗi lần vỡ ống nước Sông Đà là người dân lại khổ sở vì thiếu nước, vì chi phí khắc phục sửa chữa tăng thêm. 17 lần như vậy đủ để người dân ám ảnh cụm từ “công nghệ Trung Quốc”.
Vậy mà nhà thầu Trung Quốc lại tiếp tục được trúng thầu để xây dựng đường ống số 2. Người dân Hà Nội phải sẵn sàng để chịu đựng những gì có thể xảy ra trong tương lai, không chỉ là đường ống bị vỡ mà còn nhiều sự cố nguy hiểm hơn. Đây là việc hệ trọng vì liên quan đến đường nước, đến sức khỏe, thậm chí cả sự sống của hàng vạn con người.
Ai dám tin, ai dám cam kết đường ống nước số 2 này không vỡ? Hẳn sẽ không ai dám cam kết điều đó. Và nếu như những người có trách nhiệm hôm nay đứng ra cam kết thì đến khi sự cố xảy ra, có lẽ họ đã “hạ cánh an toàn”. Khi đó, dẫu cho người dân có kêu than thì cũng chẳng làm cho họ bận tâm vì chuyện sửa chữa khắc phục là việc của người đến sau.
Không riêng gì đường ống nước 17 lần bị vỡ kia mà nhiều công trình có công nghệ Trung Quốc hoặc do nhà thầu Trung Quốc thi công đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với người dân khắp nơi. Vậy mà họ vẫn tiếp tục trúng thầu, công trình do nhà thầu Trung Quốc nắm quyền kiểm soát trải dài từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng lên vùng núi, từ miền duyên hải lên nóc nhà Tây Nguyên... Thậm chí, có công ty còn muốn đấu thầu thiết kế quy hoạch cả đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Công thức mà họ trúng thầu là vì họ bỏ thầu giá rẻ. Lá bài này Trung Quốc chơi lật ngửa nhưng thắng hết các ván bài đánh ở Việt Nam. Cái rẻ của Trung Quốc bằng mười lần đắt nhưng một số người vẫn cứ tin họ sái cổ.
Rẻ mà hư lên hỏng xuống, rẻ mà sắt rơi vỡ đầu, rẻ mà đội vốn nhiều lần, rẻ mà dự án bị kéo dài vô phương xác định? Cho đến nay, chưa ai dám đảm bảo khi nào tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội có ngày kết thúc. Rẻ như vậy thì rẻ để làm gì?!
Bút sa gà chết, dự án đã rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Chuyện đã xong như bao lần ký kết khác, người dân có khóc ròng thì cũng không thể từ chối các loại nhà thầu đến từ Trung Quốc.
Ngẫm nghĩ mà giận chính ta, bởi lẽ tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam hoành tráng có đủ nhưng không trúng thầu các dự án trong nước tầm thường như đường ống nước Sông Đà, để cho người Trung Quốc làm chủ cuộc chơi như đi dạo trong vườn nhà họ!
Bình luận (0)