Tình trạng xe đưa đón công nhân, "nài" chở thuốc lá lậu xem thường luật giao thông và tính mạng người đi đường tồn tại nhiều năm nay trên Tỉnh lộ 10 và đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10 cũ, huyện Bình Chánh, TP HCM) nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được biện pháp xử lý.
Hằng ngày, rất đông "nài" chở thuốc lá lậu phóng bạt mạng trên Tỉnh lộ 10, bất chấp sự an toàn của người đi đường. Ảnh: TẤN THẠNH
Kiến nghị nhiều nhưng chẳng ăn thua
Với xe đưa đón công nhân, người dân bức xúc từ lâu nhưng các ngành chức năng chưa chấn chỉnh được. "Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4, thuộc Sở GTVT TP HCM) nhanh chóng lắp đặt các biển báo quy định tốc độ, kẻ vạch phân làn xe hai bánh và ô tô để CSGT có cơ sở xử lý đoàn xe này nhưng họ chưa làm" - ông Sang nói.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hai, lo ngại: "Năm 2012, xã Phạm Văn Hai đứng đầu số vụ tai nạn giao thông của cả huyện, trong đó nhiều vụ liên quan đến xe đưa đón công nhân. Bây giờ, đường mở rộng, chính quyền xã càng lo hơn. Chúng tôi kiến nghị CSGT nên tăng cường tuần tra, chốt chặn trên đường đoàn xe này đi qua".
Chưa thể xử phạt lỗi vi phạm tốc độ
Trong khi đó, trung tá Hồ Văn Hồng, Đội trưởng Đội CSGT Phú Lâm (thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM), đơn vị phụ trách tuần tra, xử lý vi phạm trên tuyến Tỉnh lộ 10 và đường Trần Văn Giàu, cho biết Tỉnh lộ 10 khi chưa được nâng cấp mở rộng, đường hẹp, không có vạch sơn phân làn giữa ô tô và xe gắn máy, đường không quy định tốc độ, chỉ có thể xử lý vài hành vi của đoàn xe đưa đón công nhân, như tránh, vượt không đúng quy định, chở quá số người... Nay Tỉnh lộ 10 đã mở rộng nhưng dự án chưa hoàn thành, chủ đầu tư chưa lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ, kẻ vạch phân làn… nên vẫn chưa có cơ sở để xử lý.
Có trạm điều hành vẫn vi phạm Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam, cho biết công ty hiện đang hợp đồng với hơn 240 xe khách bên ngoài, cùng với 92 xe của công ty để đưa rước 81.500 công nhân. Để hạn chế tình trạng chạy ẩu, chở quá tải, công ty đã hợp đồng với một trạm điều hành xe tại tỉnh Long An, giao toàn bộ quyền quản lý xe đưa đón công nhân cho đơn vị này. "Khi ký hợp đồng, chúng tôi buộc trạm điều hành cam kết các điều kiện: không được chở quá tải, chạy ẩu, phóng nhanh, lạng lách; đưa công nhân đi tới nơi về tới chốn, không được bỏ dọc đường; không được đón công nhân hoặc thu phí bên ngoài công ty… Tuy nhiên, họ vẫn vi phạm, không làm tốt. Hiện công ty đang làm việc với trạm điều hành để có biện pháp xử lý triệt để, nếu họ vẫn tái phạm, công ty sẽ ngưng hợp đồng. Ngoài ra, thời gian tới, chúng tôi sẽ gom một nửa số xe về tự quản lý" - ông Nghiệp nói. |
Gần 5 năm chưa xong 8 km đường Ông Nguyễn Việt Hà, Trưởng Ban Quản lý dự án Khu 4, cho biết dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 10 dài gần 8 km, đến nay đã hoàn thành 6 km, còn gần 2 km chưa thể thi công do còn vướng 70 hộ dân chưa chịu di dời vì khiếu nại về đơn giá bồi thường, nguồn gốc đất… Hiện UBND huyện Bình Chánh đang đẩy nhanh công tác rà soát pháp lý, thanh kiểm tra nguồn gốc đất để giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, với tình hình như trên thì khu 4 khó hoàn thành dự án vào cuối năm nay theo yêu cầu của UBND TP. Sau gần 5 năm, dự án nâng cấp Tỉnh lộ 10 vẫn còn 2 km chưa thi công xong Ảnh: TẤN THẠNH Đối với vấn đề hạn chế tốc độ trên Tỉnh lộ 10, ông Hà cho biết Khu 4 đã hạn chế tốc độ tối đa 30 km/giờ tại khu vực cầu Xáng, đồng thời chuẩn bị trình Sở GTVT xin điều chỉnh tốc độ tối đa 50 km/giờ ở các khu vực còn lại trên tuyến. "Hiện chúng tôi chỉ lắp dải phân cách giữa tim đường. Do mỗi phần đường chỉ rộng 7,5 m, chia thành 2 làn xe nên chúng tôi không thể lắp dải phân cách ngăn làn xe ô tô và xe máy được" - ông Hà nói. Dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 10 được khởi công từ cuối năm 2008, sau 5 năm thi công, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Vì tiến độ bị kéo dài nên tổng vốn đầu tư dự án đã tăng từ 772 tỉ đồng lên 998 tỉ đồng.
A.Nguyệt |
Bình luận (0)