Trong 4 ngày từ 19 đến 22-5, công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TP HCM liên tiếp vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với số lượng lớn.
Nước bốc mùi hôi thối
Các công nhân cho biết khu vực có cá chết nhiều kéo dài từ cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) đến cầu Kiệu (quận 1), mỗi ngày vớt được từ 10-15 kg cá, gồm cá trắm, cá chép…
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TP HCM, thành phần rác sinh hoạt trong tổng số rác vớt được trên kênh có xu hướng giảm so với trước đây nhưng tổng khối lượng rác vẫn nhiều, khoảng 7-8 tấn/ngày, trong đó chủ yếu là lục bình trôi từ thượng nguồn về.
Khu vực có rác nhiều là cầu số 1, cầu số 2 (thuộc địa bàn quận Tân Bình). Còn khu vực có cá chết không phải là nơi nhiều rác nhưng chất lượng nước không tốt, thường bị đục và bốc mùi hôi.
Cá chết khiến đoạn kênh bị bốc mùi hôi thối Ảnh: SỸ ĐÔNG
Trước tình trạng cá chết trắng kênh, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết đã lấy mẫu nước ở đoạn kênh này để kiểm tra và đang chờ kết quả. Từ giữa tháng 4-2014, khi có thông tin phản ánh về hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chi cục cũng đã tiến hành khảo sát nước kênh, đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Điện Biên Phủ.
Theo cảm quan, càng về hạ nguồn, chất lượng nước càng giảm. Khu vực cầu Bông có nước đen và mùi hôi nồng nặc đổ vào kênh. Kết quả đo nhanh hiện trường cho thấy hàm lượng DO từ 1,12-2,48 mg/lít, không đạt quy chuẩn Việt Nam đối với mục đích bảo tồn động vật thủy sinh. So với số liệu quan trắc trong tháng 3-2014, hàm lượng DO đã giảm từ 2-3 lần. Hàm lượng DO giảm thấp đột ngột khiến lượng ôxy cho cá hô hấp bị thiếu hụt có thể là nguyên nhân làm cá chết.
Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, cho biết ngay sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, chi cục đã lấy mẫu nước gửi đi kiểm nghiệm. Theo ông Vĩnh, nguyên nhân ban đầu khiến cá chết cũng có thể là do nắng nóng kéo dài, cơn mưa tối 18-5 đổ xuống khiến nhiệt độ nước thay đổi, cá không thích ứng kịp.
Chờ nhà máy xử lý nước thải
Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM, nguồn nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không bảo đảm cho môi trường thủy sinh phát triển, trong khi một lượng cá tương đối nhiều lại được thả xuống kênh, gặp cơn mưa đầu mùa lớn cuốn theo dòng nước ô nhiễm từ thượng nguồn đổ vào nên cá không chịu nổi. Bên cạnh đó, dòng chảy qua đoạn kênh này rất kém do ảnh hưởng của việc thi công các cầu bắc qua kênh đã góp phần gây ô nhiễm cục bộ.
Ông Vĩnh cho biết chất lượng môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không thể phục hồi trong một sớm một chiều. Việc thả cá không chỉ tạo cảnh quan mà còn xử lý bùn đáy, cải tạo môi trường nên chi cục đã chọn các giống khỏe, có khả năng thích ứng cao. Tuy nhiên hiện nay, nước thải sinh hoạt và cả nước thải của một số cơ sở sản xuất chưa qua xử lý vẫn lén đổ vào kênh gây ô nhiễm.
“Trong giai đoạn 2 của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải của lưu vực cũng như hoàn thiện hệ thống cống thu nước thải. Cho đến khi nước thải được xử lý triệt để, có lẽ người dân TP sẽ còn chứng kiến cảnh cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” - ông Vĩnh dự báo.
Vượt tiêu chuẩn cho phép
Chất lượng nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn ô nhiễm nặng. Ngoài hàm lượng DO bị giảm thấp đột ngột, kết quả lấy mẫu phân tích còn cho thấy độ mặn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3,6-4,17 lần, hàm lượng nitrit vượt từ 7-8,3 lần, hàm lượng amoni vượt từ 6-14 lần.
Bình luận (0)