xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Âm vang Trường Sa

Bài và ảnh: Lương Duy Cường

Các nhà giàn không chỉ có nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo mà còn là mái ấm hỗ trợ ngư dân trong việc tiếp nước ngọt, chữa bệnh, sửa tàu thuyền… trong hành trình bám biển, vươn khơi

Đúng 17 giờ ngày 15-5, con tàu hiện đại nhất của Kiểm ngư Việt Nam (số hiệu KN-781) đã đưa đoàn đại biểu trở về đất liền sau 8 ngày thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên nhà giàn DK1/14 và quần đảo Trường Sa. Đây là đoàn đại biểu thứ 2 trong năm nay của TP HCM. Đoàn gồm đại biểu từ các quận huyện, cơ quan ban ngành của TP HCM; số còn lại đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí.

Như những cột mốc chủ quyền

Rời cảng Cát Lái (TP HCM) lúc 8 giờ ngày 8-5, 11 giờ ngày 9-5, đoàn đã tiếp cận được địa điểm đầu tiên của hải trình là bãi ngầm Tư Chính.

Tư Chính cách TP Vũng Tàu 229 hải lý về phía Đông Nam, là bãi ngầm dài khoảng 57 km và rộng khoảng 13 km với điểm nhô cao nhất cách mặt nước khoảng 16 m. Tại bãi ngầm này, nhà giàn đầu tiên được xây dựng vào tháng 7-1989 và hiện đang có 3 nhà giàn hoạt động. Nơi đoàn đến thăm là nhà giàn DK1/14 (tên đầy đủ là Trạm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ 1/14). Thường trực tại các nhà giàn, ngoài lực lượng hải quân thuộc Tiểu đoàn Hải quân DK1 còn có cán bộ, nhân viên các ngành bảo đảm hàng hải, khí tượng, thủy văn, dầu khí…

Vườn rau xanh trên độ cao 40 m của các chiến sĩ nhà giàn DK1/14
Vườn rau xanh trên độ cao 40 m của các chiến sĩ nhà giàn DK1/14

Tàu không vào được sát chân nhà giàn nên tàu của lực lượng hải quân đang làm nhiệm vụ ở khu vực này phải hỗ trợ giúp chuyển đoàn đến nhà giàn. Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cho biết ông đã đi cùng nhiều đoàn đại biểu từ đất liền ra thăm Trường Sa nhưng không phải đoàn nào cũng may mắn lên được nhà giàn, nhất là những ngày biển động hoặc vào những tháng cuối năm. Nhiều đoàn vượt cả hàng trăm hải lý để đến đây nhưng rồi phải hát, phải chuyển lời thăm hỏi chiến sĩ qua hệ thống phát thanh.

Trong mênh mông trời nước, nhà giàn cắm sâu 4 chân trụ vào lòng biển. Dù lối đi lên dốc đứng nhưng tất cả đại biểu, có người đã 60-65 tuổi, vẫn quyết chinh phục bằng được hàng trăm bậc cầu thang sắt để lên tầng cao nhất của nhà giàn ở độ cao cách mặt biển khoảng 40 m, là nơi lính nhà giàn ở và làm nhiệm vụ. Từ tầng cao nhất của nhà giàn, biển trải ra mênh mông, xanh ngắt. Những chiếc thuyền của ngư dân dập dềnh trên sóng, cờ đỏ sao vàng tung bay trước mắt mọi người.

Xung quanh hành lang nhà giàn là những thùng nhựa trồng rau. Nhiều nhất là cải, mồng tơi, có cả mấy chậu ớt trái chín trĩu cành. Hạt giống và đất trồng rau đều phải chuyển từ đất liền ra. Lính nhà giàn phải che chắn rất kỹ, nếu không rau sẽ không chịu nổi trước sức quật của gió và nắng.

Như những cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh hải, các nhà giàn được canh giữ đêm ngày dù điều kiện sinh sống cực kỳ khó khăn do thiếu nước sinh hoạt và diện tích nhỏ bé, chơi vơi giữa ngàn trùng sóng vỗ. Theo đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng Phòng Chính sách Quân chủng Hải quân, việc tiếp cận các giàn để tiếp vận dù bằng trực thăng hay tàu thủy đều cực kỳ khó khăn nếu không phải là những ngày đẹp trời của tháng 3 và tháng 8 hằng năm. Cán bộ, chiến sĩ hải quân làm việc trên nhà giàn thường ít nhất phải trải qua 8-9 tháng mới trở về đất liền thay ca.

Thiếu tá Trần Bá Lợi, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/14, cho biết Tư Chính là bãi ngầm lớn ở cạnh đường hàng hải quốc tế nên có vị trí chiến lược rất quan trọng trong việc tổ chức lực lượng thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển và quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Đây cũng là vùng biển mà nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến xâm phạm trái phép để trinh sát, thăm dò địa chấn, khai thác hải sản nên công tác sẵn sàng chiến đấu luôn được đặt ra ở cấp độ cao.

Ngoài ra, không riêng gì nhà giàn DK1/14 mà các nhà giàn ở Trường Sa còn là nơi hỗ trợ ngư dân trong việc tiếp nước ngọt, chữa bệnh, sửa tàu thuyền… trong hành trình bám biển, vươn khơi. Khi đoàn đang thăm nhà giàn cũng được thấy những tàu cá của ngư dân tỉnh Phú Yên ghé vào xin tiếp thêm nước ngọt và thuốc chữa bệnh. Một thuyền trưởng cho biết với những ngư dân như họ, nhà giàn như mái ấm để nương tựa trong hành trình mưu sinh giữa khơi xa.

Dũng cảm trong tâm bão

16 giờ cùng ngày, trên sân đỗ trực thăng của tàu KN-781, các đại biểu đã tham dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân hy sinh trong quá trình bảo vệ biển đảo. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nghe kể về sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ lúc nhà giàn DK1/3 (Phúc Tần) bị đổ do bão lớn năm 1990, của nhà giàn DK1/5 (Tư Chính) năm 1999 và nhà giàn DK1/4 (Ba Kè) năm 2000…

Tháng 12-1990, bão số 10 tràn đến với gió giật cấp 10, 11. Dù vậy, trung úy trạm trưởng nhà giàn DK1/3 Bùi Xuân Bồng và trung úy trạm phó chính trị Nguyễn Hữu Quảng vẫn bình tĩnh chỉ huy các chiến sĩ dùng phao và xuồng cứu sinh bám trụ đến phút cuối cùng. 2 giờ sáng 5-12-1990, sóng dâng cao 14-15 m, giật đổ nhà giàn. Ba trong 8 cán bộ, chiến sĩ là trạm phó chính trị Nguyễn Hữu Quảng, trung úy Trần Văn Là, y sĩ Hồ Văn Hiền đã vĩnh viễn ra đi.

Tháng 12-1998, bão số 8 tràn qua vùng biển Trường Sa. Nằm trong tâm bão, 9 cán bộ và chiến sĩ nhà giàn DK1/6 vẫn kiên trì bám trụ, liên tục giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy trong đói và rét. Nhà giàn đổ, hất mọi người xuống biển. Dù lực lượng hải quân đã tích cực ứng cứu suốt 3 ngày đêm nhưng cũng chỉ tìm được 6 người. Đại úy trạm trưởng Vũ Quang Chương cùng 2 đồng đội đã hóa thân vào biển cả.

Tiếng nhạc tưởng niệm vang lên, khói hương bay trong ráng chiều. Những vòng hoa tươi mang từ đất liền ra được các đại biểu kính cẩn thả xuống mặt biển thẩm đen. Sóng dâng cao từng đợt đưa những vòng hoa phiêu diêu vào cõi mênh mông.

 

Tiểu đoàn Hải quân DK1 - đơn vị trực tiếp quản lý hệ thống nhà giàn tại bãi ngầm Tư Chính - là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới và được Chính phủ, Bộ Quốc phòng tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý khác. Theo Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, lực lượng hải quân rất tự hào với những sự hy sinh và cống hiến của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Hải quân DK1.

 

Kỳ tới: Vững vàng trong gian khó

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo