Đang trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7.5.1955 - 7.5.2015) nên không khí thi đua rất sôi nổi trên các nhà giàn và đảo. Cán bộ, chiến sĩ thi đua rèn luyện, huấn luyện tốt, tăng gia sản xuất giỏi. Dân trên các đảo cũng thi đua giữ gìn môi sinh, môi trường.
Nâng niu từng cọng rau
Chỉ nói riêng về chuyện tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống và hỗ trợ ngư dân thì nhà giàn DK1/14 cũng như các đảo ở Trường Sa đều cơ bản tự túc được nguồn rau xanh các loại và cá tươi. Một số đảo còn nuôi được bò, gà, vịt để cải thiện bữa ăn chiến sĩ cùng với nguồn tiếp vận theo tiêu chuẩn từ đất liền. Nhà giàn cũng như các đảo còn khám và điều trị, cấp thuốc cho hàng ngàn lượt ngư dân; cấp nước ngọt miễn phí cho tàu của bà con…
Tôi phải lan man một tí về chuyện tăng gia sản xuất trên nhà giàn và các đảo của Trường Sa vì quá khâm phục sự chịu khó của quân và dân ở đây. Bởi lẽ, nhà giàn thì diện tích quá chật hẹp và chơi vơi trên cao, trong khi một số đảo chỉ toàn đá khối và cát trắng chứ không thấy đất màu để có thể trồng cây.
Tôi chợt nhớ đến câu “cây thiếu đất cây sống sống với ai” trong ca khúc “Tình cây và đất” của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Tuy nhiên, tôi đã thấy cây vẫn sống, vẫn xanh trên đảo như một kỳ tích chứ không “ngừng ngừng hơi thở” vì “vắng đất” như một câu rất hay nữa trong ca khúc vừa nêu. Có điều, ngoài vài gốc dừa ở đảo Nam Yết và những cây bàng vuông, phong ba đại thụ hiếm hoi tại Nam Yết, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Trường Sa Đông, hầu như cây xanh ở các đảo chỉ là rau xanh trong những thùng, hộp, chậu, bể được chiến sĩ nâng niu, che chắn kỹ lưỡng, quý báu lắm chứ không phải xòe cành, xòe tán như tôi từng thấy trên các đảo Phú Quý, Cồn Cỏ, Phú Quốc, Côn Đảo.
Nhớ hôm trên đảo Song Tử Tây, sư trụ trì chùa ở đây tấm tắc mãi với chúng tôi về một vạt cỏ dại dưới gốc phong ba đại thụ sau vườn chùa. Vạt cỏ chỉ chừng 3 m2 nhưng đúng là chúng tôi đã đi qua đến 9 đảo mà vẫn chưa thấy đâu có được vạt cỏ như thế ngay trên nền cát trắng và đá cứng.
Khắc nghiệt nhất chính là các đảo đá ngầm. Có nơi, toàn bộ đảo nằm trọn vẹn trên một khối đá vài chục mét vuông lập lờ giữa biển nước. Tìm cho được vốc cát, lá cỏ đã thấy khó chứ nói gì đến cây xanh. Ở đảo Đá Tây, mỗi năm có tới 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Gió Đông Bắc thổi ràn rạt từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau thường mang theo sóng dữ và bão trùm lên đảo, những tháng còn lại thì gió mùa Tây Nam hầm hập nóng. Đang là tháng 4 - tháng có ít gió mạnh, nhiệt kế chỉ 36 độ C - nhưng mồ hôi cứ túa đầm đìa. Đương đầu với vất vả như thế nhưng Đá Tây là điểm đảo đã 6 lần được Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.
Ước mơ ươm mầm xanh
Giữa khắc nghiệt của thời tiết và sự căng thẳng nhiệm vụ như thế mới thấy đẹp biết bao hình ảnh các chiến sĩ ngày đêm kiên cường bám trụ. Lạ nữa là họ còn rất lãng mạn, yêu đời.
Hôm ở đảo Đá Tây A, chúng tôi được xem những tác phẩm rất độc đáo của chiến sĩ Phạm Văn Liêm (quê huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Tốt nghiệp THPT, Liêm nhập ngũ Lữ đoàn 146, Hải quân vùng 4. Ngoài giờ canh gác, anh đam mê với việc sáng tác bonsai đá, non bộ từ những vật phẩm sóng biển dạt vào. Ước mơ khi ra quân của chiến sĩ mang danh hiệu Thanh niên ba đỉnh cao quyết thắng này cũng rất lãng mạn: Anh quyết tâm thi vào đại học nông nghiệp để mong có dịp quay lại đảo, góp phần vào việc ươm những mầm xanh.
Cũng trong cái khắc nghiệt ấy mới thấy tình đồng đội quý giá biết nhường nào. Hôm văn công biểu diễn ở Sinh Tồn Đông, trung tá Nguyễn Văn Bình, chỉ huy đảo, ra tận mép nước kéo tay dẫn từng chiến sĩ vào rồi mang ghế ngồi, nước uống đến trao tận tay từng người để họ có nhiều thời gian giao lưu hơn với ca sĩ. Giữa cái nắng như thiêu như đốt, Chuẩn đô đốc Mai Tiến Tuyên - Chính ủy Vùng 2 Hải quân - vẫn “cháy hết mình” cùng chiến sĩ trong ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”. Thảo nào mà trừ khi báo cáo công việc, nhiều chỗ chiến sĩ gọi vị chính ủy này là bố, xưng con; có anh còn tếu táo gọi là “liền anh hot boy” vì đã quen nghe ông ngẫu hứng hát dân ca quan họ.
Đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng Phòng Chính sách Quân chủng Hải quân, lý giải với tôi rằng sự quan tâm và hòa đồng của chỉ huy với chiến sĩ như một liều thuốc quý, rất có ý nghĩa trong việc động viên tinh thần anh em vượt khó khăn, kiên cường bám đảo.
Vui biết mấy nếu đảo gần nhau hơn
Trong chương trình giao lưu giữa đội văn nghệ xung kích đến từ TP HCM với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn, các đại biểu được xem tiết mục đặc sắc của học sinh đang sinh sống ở đảo này. Trong trang phục của những chiến sĩ hải quân nhí, tốp ca gồm 8 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 3 đã hát vang ca khúc “Quê em ở Trường Sa” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Tiếng ca vang lên khiến mọi người rất xúc động: “... Sẽ vui biết mấy nếu đảo gần nhau hơn/ Mỗi bước đến trường phong ba rợp bóng mát/Yêu lắm Trường Sa nụ cười em rạng rỡ...”. Tại xã đảo Song Tử Tây, các đại biểu đã tham dự lễ khánh thành trường tiểu học xây dựng từ 8 tỉ đồng do giáo viên và học sinh TP HCM đóng góp.
Kỳ tới: “Cháy hết mình” với đảo
Bình luận (0)