Do không có nước ngầm, dọc dòng sông Trẹm, vùng giáp ranh giữa Cà Mau và Kiên Giang (từ ấp Kinh 10, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đến thị trấn Thứ 11, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang), hàng ngàn hộ dân hằng ngày phải sử dụng nước mưa để uống, nấu ăn và sinh hoạt.
Ngoài ra, ở một số lâm phần thuộc rừng U Minh Hạ (Cà Mau) và U Minh Thượng (Kiên Giang), hiện có không dưới 1.000 hộ dân lấy nước mưa cho sinh hoạt. Trong đó, hầu hết nước mưa hứng qua mái nhà sử dụng tấm lợp có chất amiăng (fibro cement).
“Nước trong lại không tốn tiền”
Bà Trần Thị Út (74 tuổi, ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) cho rằng: “Do không có nước ngầm, bao đời nay, chúng tôi chỉ trông chờ mưa xuống để hứng nước dùng và dự trữ cho mùa hạn”. Theo bà Út, trước đây, hầu hết người dân vùng này hứng nước mưa qua mái lá nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, nhà nào nghèo lắm cũng cố gắng lợp một góc mái bằng tấm lợp fibro cement để hứng nước mưa vì nghĩ rằng nước trong, sạch hơn mái lá.
“Tôi chưa nghe ai nói tấm lợp này có chất độc hại. Ở đây, cũng có vài người chết vì ung thư, bệnh phổi nhưng không biết nguyên nhân từ đâu. Bản thân tôi cũng bị ho hen kéo dài nhiều năm nay” - bà Út nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc tuyến đường nông thôn từ xã Biển Bạch đến xã Miệt Thứ (huyện An Minh), nhà nào cũng có lu, vại đặt trước mái hiên hứng nước mưa. Ông Đỗ Thành Nhân (ấp 18, xã Biển Bạch) bộc bạch: “Hơn chục năm nay, cả nhà tôi hứng nước mưa uống từ tấm lợp amiăng vẫn khỏe re, có thấy bệnh tật gì đâu. Sống ở đây, mỗi khi mưa xuống, hứng nước cho đầy lu, xài thoải mái, không phải thức khuya dậy sớm đi đổi nước như mùa khô là mừng lắm rồi”.
Tuy nhiên, ở đây có nhiều người tỏ ra lo lắng khi nghe đến chất amiăng trong tấm lợp có thể gây ung thư. “Tôi hơi lo lắng khi biết sự thật này nhưng thay tấm lợp khác thì nóng bức. Vả lại, gia đình nghèo cũng không đủ khả năng. Có thể sắp tới, tôi sẽ dùng bạt cao su trải lên mái nhà khi hứng nước mưa cho yên tâm hơn” - ông Trần Quốc An (ấp Kinh 16, xã Biển Bạch) dự định .
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết gia đình ông đã sử dụng tấp lợp amiăng hơn 30 năm. “Tôi thích sử dụng tấm lợp amiăng hơn tôn vì nó bền, lại không gây nóng. Nếu nói tấm lợp này có chất gây ưng thư gì đó thì không thuyết phục lắm vì mấy chục năm sử dụng nước mưa qua tấm lợp này, gia đình tôi có ai bị gì đâu” - ông Nghĩa chống chế.
Tại TP Cần Thơ, hiện vẫn còn khá nhiều hộ sử dụng tấm lợp amiăng lợp mái nhà. Trong đó, hầu hết tận dụng nguồn nước mưa chảy qua tấm lợp để uống và nấu ăn. Ông Võ Văn Còn (phường Phú Thứ, quận Cái Răng) cho biết mặc dù gia đình ông có sử dụng nước máy nhưng vào mùa mưa, ông vẫn ưu tiên dùng nước mưa qua tấm lợp amiăng. Bởi theo ông, nguồn nước này vừa ngọt lại không tốn tiền.
Tương tự, gia đình ông Chín Vinh (ngụ cùng phường với ông Còn) có hàng chục lu và hồ trữ nước mưa chảy xuống từ mái nhà bằng tấm lợp amiăng để uống và nấu ăn cho cả năm. Gần đây, ông phát hiện phổi của mình có vấn đề nhưng cứ nghĩ là do hút thuốc lá quá nhiều.
Một cán bộ khu vực ở phường Phú Thứ cho biết gần nhà ông, có vợ chồng già không dùng nước sông hoặc nước máy mà chỉ sử dụng nước mưa hứng qua tấm lợp amiăng để dùng. Vừa rồi, cụ ông mất do hàng loạt chứng bệnh về nội tạng. Một năm sau, cụ bà cũng mất đi với những chứng bệnh tương tự. Tuy nhiên, chẳng ai quan tâm bệnh của họ có liên quan đến nguồn nước qua tấm lợp amiăng hay không.
“Làng ung thư” dưới chân núi Nưa
Hơn 20 năm qua, có gần 100 người dân làng Thổ Vị, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa chết do ung thư.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại làng Thổ Vị có dãy núi Nưa, ở đó có nhiều đá chứa amiăng. Ở khu vực này đang có Công ty CP Secpentin và Phân bón Thanh Hóa, Công ty TNHH Hoàng Ngân khai thác đá làm phân lân nung chảy và phụ gia xi măng.
Ông Nguyễn Văn Huy, trợ lý giám đốc Công ty TNHH Hoàng Ngân, cho biết từ khi hoạt động đến nay, công ty được khuyến cáo không dùng nước ngầm mà dùng nước mưa. Theo ông Huy, đây là mỏ khai khoáng có rất nhiều amiăng độc hại.
Được biết căn bệnh ung thư bùng phát và trở thành nỗi ám ảnh của người dân làng Thổ Vị từ hơn 20 năm qua. Vì vậy, nhiều người gọi đây là làng ung thư. Do thấy nhiều người chết bất thường, từ năm 1993, ông Trần Minh Hán (một người dân địa phương) lập “sổ nam tào” ghi chép những trường hợp thương tâm. Đến nay, trong sổ đã có gần 100 người chết do ung thư. Đây là những trường hợp có bệnh án; còn trước năm 1993, rất nhiều người chết trẻ nhưng không thể xác định nguyên nhân.
Trước nhiều cái chết bất thường ngày một tăng ở làng Thổ Vị, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu nước của 5 giếng khơi và giếng khoan ở đây để xét nghiệm. Kết quả, cả 5 mẫu đều không đạt tiêu chuẩn về khuẩn học và lý hóa, không thể dùng cho ăn uống và sinh hoạt.
Ông Trần Minh Hán cho biết năm 1963, có một đoàn địa chất về đây khai mỏ lấy amiăng. “Sau khi đào những cái hố lớn trên lưng chừng núi để lấy quặng nhưng có lẽ do không hiệu quả nên họ bỏ đi. Lúc đó, làng Thổ Vị phát động đào giếng lấy nước sinh hoạt. Thế là toàn bộ đá kè giếng đều được lấy ở khu vực mỏ bỏ lại” - ông Hán nói.
Không chỉ kè giếng, người dân ở đây còn lấy đá về làm nhà, xây tường rào, kè ao, lót lối đi… Loại đá này chỉ đập nhẹ là vỡ ra, bên trong có những sợi amiăng màu trắng. Những sợi đá này gặp mưa sẽ hòa vào dòng nước ngấm xuống ao hồ. Từ đó, người dân nơi đây nghi ngờ thủ phạm gây ung thư có thể là do amiăng.
Đã có nhiều cơ quan, ban ngành, các nhà khoa về đây lấy mẫu đất, nước đưa đi xét nghiệm, thế nhưng tất cả chỉ dừng lại ở phỏng đoán, nhận định chung chung, chứ chưa có một kết luận chính thức nào.
Kỳ tới: Thế giới cấm từ lâu
Bình luận (0)