Bất chấp góp ý của các nhà khoa học; bất chấp nỗi xót xa của bao người đã từng hoạt động cách mạng bị giam cầm trên hòn đảo này, lãnh đạo tỉnh nhất quyết thực hiện bằng được con đường dù sẽ phải đánh đổi, trả giá khá nhiều. Những cánh rừng nguyên sinh mà dưới đó có thể còn có cả xương máu của nhiều người cộng sản sẽ bị xóa sạch.
Lý do chính để lãnh đạo địa phương này viện dẫn cho quyết tâm của mình là dùng để phát triển kinh tế và du lịch của địa phương. Thế nhưng, ngay cả những nhà kinh tế hoang tưởng nhất cũng không dám tin con đường 14 km xuyên rừng đó có thể vực dậy kinh tế của hòn đảo này và ngành du lịch sẽ ăn nên làm ra nhờ nó. Còn câu chuyện làm đường để bảo vệ rừng thì càng phi lý hơn nữa bởi các nhà khoa học đã chứng minh con đường sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường, ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái của đảo. Không thể có mô hình bảo vệ rừng quái đản bằng cách... phá rừng!
Câu chuyện phá rừng làm du lịch khá phổ biến trong những năm qua. Rừng Nam Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) cũng đang hăm he bị xẻ thịt bởi những dự án bảo tồn và phát triển du lịch viển vông. Rừng của Phú Quốc cũng đang gánh nhận những hậu quả tàn khốc do cơn lốc phá rừng làm du lịch, phát triển kinh tế vô tội vạ. Đau lòng hơn, những cánh rừng thông tuyệt đẹp của Đà Lạt - một trong những cảnh quan thu hút du khách mọi miền của đất nước - cũng bị nhiều nhà đầu tư tham lam nhân danh phát triển du lịch phá sạch. Hàng ngàn héc-ta rừng thông xanh ngút nay chỉ còn lại một ít, thay vào đó là bê-tông và nhựa đường... Theo thống kê của các cơ quan chức năng, 5 năm qua, Lâm Đồng đã mất đến 90.000 ha rừng.
Hàng loạt các quốc gia có ngành du lịch phát triển trên thế giới từ nhiều năm qua đã nghiêm cấm việc xâm hại tài nguyên quốc gia để làm du lịch. Đặc biệt là đối với rừng, nhiều nước có chính sách kiểm tra kiểm soát và xử lý triệt để nạn phá rừng. Úc, Brazil, Malaysia... thẳng thừng loại bỏ những dự án kinh tế nếu xâm hại đến rừng. Thậm chí, những tập đoàn kinh tế lớn khi hoạt động tại những quốc gia này phải có cam kết bảo vệ môi trường sinh thái. Trong khi ở ta, nhiều lãnh đạo địa phương luôn nhìn thấy “cơ hội” phát triển kinh tế bằng cách khai thác rừng nguyên sinh, rừng quốc gia, khu bảo tồn...
Rừng là tài nguyên quốc gia. Không thể đánh đổi những tài nguyên màu mỡ trước mắt để tìm kiếm những nguồn lợi còn quá xa vời để rồi thế hệ mai sau phải gánh nhận hậu quả bởi hệ sinh thái bị tàn phá, tài nguyên cạn kiệt. Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt - ông cha ta đã đúc kết như vậy, chớ có làm khác! Đừng qua mặt người dân bởi họ quá hiểu mục đích của những dự án phá rừng làm du lịch và lợi lộc của những dự án như thế này sẽ rơi vào túi ai.
Bình luận (0)