Đường Tây - Bắc nối cảng Bến Đầm và sân bay Cỏ Ống đi xuyên qua rừng nguyên sinh ở Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dự kiến dài khoảng 14 km, sẽ làm mất đi hơn 40 ha rừng đặc dụng, chặt gần 6.500 cây, trong đó có nhiều cây cao gần 20 m, đường kính từ 100-150 cm; mất đi hàng ngàn mét khối gỗ.
Hại nhiều hơn lợi
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án sẽ giúp hệ thống giao thông Côn Đảo thông suốt, tạo tiền đề xây dựng hạ tầng để phát triển du lịch, đồng thời tạo điều kiện bảo vệ rừng và phục vụ an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mục đích phá rừng, đánh đổi sinh thái để phát triển giao thông tại Côn Đảo không hợp lý vì dân cư trên đảo không nhiều, lưu lượng người đi lại ít, để phục vụ du khách cũng không nhất thiết phải có con đường này. Trong khi đó, việc làm đường sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường, ảnh hưởng trầm trọng đến hệ động vật sinh thái, nhiều diện tích rừng đặc dụng vĩnh viễn mất đi.
Muốn phát triển giao thông hợp lý nhất, có thể xây dựng con đường quanh đảo, không đụng đến vẻ hoang sơ quý báu như là một tài sản để lại cho thế hệ con cháu. “Làm đường chọc vào tim rừng là cố tình làm trái quy tắc bảo tồn và phát triển, phá vỡ hệ sinh thái ngàn năm có được và chẳng thu được lợi lộc nào ngoài khai thác, sử dụng quỹ đất để xây dựng nhà cửa, các công trình. Đó là sự phát triển ẩu tả, chụp giựt. Các nước phát triển họ tính toán kỹ lưỡng để không xảy ra tình trạng như vậy. Hãy xem du khách họ yêu thích một Côn Đảo nguyên sơ hay đến đây để ngắm những nhà cửa, công trình?” - một chuyên gia trong lĩnh vực phát triển, quy hoạch đô thị nhận định.
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, khẳng định qua quá trình nghiên cứu lâu dài tại Côn Đảo cũng như về nguyên tắc chung trong quá trình phát triển và bảo tồn, việc xây dựng nhiều công trình và đặc biệt là con đường xuyên rừng đặc dụng này hoàn toàn không nên làm.
“Không nên phá vỡ hệ sinh thái tại đây, sự quý giá của đảo là sự nguyên sơ. Hệ sinh thái nơi này rất giàu có, ngoài các loại thực vật còn có rạn san hô, ốc tù và, rùa biển... Việc đánh đổi để phát triển phải tính toán cẩn trọng. Đối với một số công trình lớn trước đây tôi từng phản đối. Nếu cứ phát triển ồ ạt, bất chấp để “xẻ thịt” rừng như thế là hoàn toàn không nên…” - TS Long bày tỏ.
Địa phương quyết làm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Chính, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cho biết đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo tìm mọi cách hạn chế việc chặt phá rừng. Các phương án thay đổi thiết kế được đặt ra là có thể “hạ thấp tầng”, làm đường thiên về phía biển để giảm thiệt hại về rừng hoặc vẫn giữ nguyên tọa độ nhưng bớt chiều dài và giảm cấp độ của đường.
Trong khi đó, một lãnh đạo Ban Quản lý VQG Côn Đảo cũng đồng ý với chủ trương làm đường của tỉnh để phát triển kinh tế cũng như tạo đà phát triển du lịch. Ông Nguyễn Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xem xét lại và chỉ đạo UBND huyện Côn Đảo rà soát, điều chỉnh quy mô dự án đường Tây - Bắc Côn Đảo để hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến rừng. Dù vậy, dự án sẽ được thực hiện theo tiến độ vì là chủ trương chung.
“Đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chỉ còn chờ bổ sung, điều chỉnh và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện. Tuy nhiên, có thể dự án được xem xét gút lại, còn nhỏ thôi, để không ảnh hưởng quá nhiều đến rừng…” - ông Quốc nói.
Lấy 1 ha cũng phải xin ý kiến Thủ tướng
Theo ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), dự án này nằm trong quy hoạch VQG Côn Đảo do Thủ tướng phê duyệt. Bộ TN-MT đã tiến hành các bước đánh giá tác động môi trường đầy đủ và nhận thấy cần thiết phải có con đường này để phục vụ một số công tác liên quan đến quản lý.
“Xem xét các mặt thì không sao. Hơn nữa, đôi khi các dự án phát triển đòi hỏi phải có đánh đổi, không thể chả mất gì mà chỉ có được. Dự án này nằm trong quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ thì các cơ quan bên dưới thực hiện theo. Bộ TN-MT trên cơ sở quy hoạch được Thủ tướng quyết định thì thẩm định báo cáo tác động môi trường thôi. Với những tác động thì đều đã có giải pháp để hạn chế rồi” - ông Dung nói và nhấn mạnh rằng qua đánh giá tác động môi trường của Bộ TN-MT thì thấy tác động của dự án đến môi trường không quá lớn và không hề ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, ông Trần Thế Liên - Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - cho biết nếu muốn chuyển đổi diện tích rừng đặc dụng do Thủ tướng Chính phủ xác lập thì dù chỉ lấy 1 ha cũng phải xin ý kiến Thủ tướng và phải có đánh giá tác động môi trường.
Theo ông Liên, quy định Nghị định 117 ngày 24-12-2010 của Thủ tướng “Về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng” có 4 nội dung phải xin ý kiến khi muốn chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng sang mục đích khác. Một là dự án đầu tư đó phải được phê duyệt; hai là phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt (do Bộ TN-MT duyệt); ba là phải có đền bù, giải phóng mặt bằng; bốn là phải có phương án trồng rừng thay thế.
“VQG Côn Đảo do Thủ tướng Chính phủ xác lập thì đương nhiên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải có văn bản trình trực tiếp Thủ tướng để xin ý kiến. Sau đó, Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản để lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành có liên quan, chủ yếu là Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT. Sau khi địa phương hoàn thiện đủ hồ sơ xin chuyển đổi theo quy định, Bộ NN-PTNT sẽ thẩm định và trình Thủ tướng quyết định” - ông Liên cho hay.
T.Dương - V.Duẩn
Bình luận (0)