Từ lâu, nhiều người đã cảnh báo nền giáo dục chúng ta chỉ chú trọng dạy kiến thức để học sinh (HS) đi thi và lơ là chuyện dạy các em làm người qua môn đạo đức hay giáo dục công dân. Đó là một phần nguyên nhân khiến thanh niên ngơ ngác khi vào đời.
Vô lý như SGK giáo dục công dân
Môn đạo đức hay giáo dục công dân bị xem là môn phụ nhưng nội dung trong sách giáo khoa (SGK), nhất là ở bậc THPT, lại vừa nặng (với những kiến thức cao siêu, khó hiểu) vừa sơ sài. Thời lượng dành cho môn này chỉ 45 phút/tuần khiến việc truyền đạt hết sức khó khăn. “Ngay khi vào lớp 10, HS đã phải chạm mặt hàng loạt khái niệm của triết học như chủ nghĩa duy tâm, duy vật biện chứng, siêu hình…” - cô Nguyễn Ngọc Dung, tổ trưởng bộ môn giáo dục công dân - tâm lý Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TPHCM) nêu ví dụ.
Theo cô Dung, nội dung này không phù hợp với HS bậc THPT. Nếu giáo viên nào đi vào giải thích, lập luận thì càng khiến HS thêm rối và chán học. Trong khi đó, có bài nói về đạo đức, một nội dung rất cần được đào sâu, phân tích, ví dụ thực tế thì lại thiên về giải thích khái niệm một cách sơ sài.
Cùng quan điểm, hiệu trưởng một trường THPT ở quận Phú Nhuận - TPHCM cho rằng không SGK nào vô lý như sách giáo dục công dân. Ở lớp 10 thì làm HS choáng váng với những nội dung thuộc phạm trù triết học; lên lớp 11, 12 thì lại học về tiền tệ, thị trường, lưu thông hàng hóa… “Giáo dục công dân là giáo dục làm người mà HS phải nhớ khái niệm như nhớ công thức toán học, HS phổ thông mà phải nhớ kiến thức dành cho những người nghiên cứu triết học, thiệt không hiểu nổi!” - ông nhận xét.
Học trong niềm xúc động
Để mềm hóa chương trình, một số trường đã tự mày mò tìm cách đưa những kỹ năng sống, các nội dung giáo dục đạo đức gần gũi, hữu ích vào chương trình để dạy cho các em.
Một tiết học đạo đức của hơn 200 HS Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú - TPHCM) mà chúng tôi được tham dự diễn ra vào ban đêm trong ánh nến và trên nền ca khúc Nếu chỉ còn một ngày để sống. Trước đó, các em HS được phát phiếu khảo sát để trả lời câu hỏi: “Nếu còn một ngày để sống thì bạn sẽ làm gì?”.
Những tâm sự đầy xúc động của các em được nhắn gửi qua những lá thư được đọc lên trong buổi học. “Nếu chỉ còn một ngày để sống, con chỉ muốn về ngay với mẹ, ăn món canh khổ qua và thịt kho trứng mẹ nấu cho con” - một HS chia sẻ đơn giản nhưng đầy chân tình. Em H., một học sinh cá biệt của trường, cũng thổ lộ: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, con sẽ nói với ba mẹ điều mà bấy lâu con chưa nói là mong ba mẹ hãy tha lỗi cho con”.
Trong buổi học, 3 HS có sinh nhật trong tháng được nhà trường tặng món quà bất ngờ là được gọi điện thoại về gia đình. Âm thanh trong điện thoại được mở to, cuộc đối thoại của HS với cha mẹ với những câu nói không tròn vì nghẹn ngào như: “Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm…” hay “Ba có khỏe không ba, ba đi biển nhớ cẩn thận nha”... đã khiến tất cả lặng đi vì xúc động.
Cuối buổi, thầy giáo Hồ Hoài Khanh tổng kết: “Các em đừng để đến khi chỉ còn một ngày để sống mới nghĩ đến cha mẹ mà hãy thể hiện lòng biết ơn đấng sinh thành ngay từ bây giờ, ngay lúc này, bằng việc chăm ngoan, học giỏi, nghe lời cha, mẹ, thầy cô...”.
Lấy sách cấp 2 dạy cấp 3
Được biết, nhiều năm nay, Trường THPT Nhân Việt duy trì một ban “độc” là Ban Đạo đức - kỹ năng, với nhiệm vụ duy nhất là biên soạn chương trình đạo đức và giảng dạy cho HS. Ông Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhiều bài học của môn giáo dục công dân ở bậc THCS rất hay như tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình... Do vậy, nhiệm vụ của Ban Đạo đức - kỹ năng là khai thác lại, xây dựng kịch bản, phương pháp sao cho truyền tải các nội dung đó đến các em một cách hiệu quả nhất.
Chúng tôi có dịp dự một tiết học đạo đức của HS lớp 11 ở trường này do thầy Trần Tuấn Anh giảng dạy. Tiết học bắt đầu bằng bài tiết kiệm trong chương trình giáo dục công dân... lớp 6. Bài giảng không đề cập về những khái niệm khô khan như thế nào là tiết kiệm, tiết kiệm thì phải làm gì… mà bằng những hình ảnh, clip minh họa để HS tự nhận xét, phát biểu và rút ra kết luận.
Theo ông Bùi Gia Hiếu, những bài học nhẹ nhàng, tưởng đơn giản như thế nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách, hành xử của HS trong hiện tại và tương lai. “Nếu những bài học đạo đức như thế được lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ khiến các em thấm từ từ và hình thành hoặc thay đổi nhận thức, hành động theo hướng tích cực” - ông Hiếu khẳng định.
Kỳ tới: Dạy các giá trị sống
Bình luận (0)