Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, sáng 2-3, hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM 1) đã khai mạc tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với sự tham gia của các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Hành động theo 4 ưu tiên
Ông Nguyễn Minh Vũ - Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Thư ký APEC 2017 - cho rằng trong nhiều phiên thảo luận, các thành viên APEC đã đưa ra những vấn đề cụ thể, sát sườn với bối cảnh hiện tại của các nền kinh tế, như: những biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư; cải cách cơ cấu; phát triển nguồn nhân lực, du lịch; ứng phó tình trạng khẩn cấp; an ninh lương thực; nghề cá và đại dương...
Tất cả chương trình hành động của các nhóm công tác bảo đảm bám sát chủ đề và 4 ưu tiên mà Việt Nam và các nền kinh tế thành viên APEC đưa ra: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, siêu nhỏ trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM 1 - cho biết tại SOM 1, các đại biểu nghe những báo cáo và khuyến nghị từ các cuộc thảo luận, trao đổi những quan điểm về các biện pháp nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của APEC. Từ đó, vai trò của APEC được duy trì như là Diễn đàn Kinh tế khu vực hàng đầu cũng như bảo đảm rằng việc tăng trưởng, toàn cầu hóa thương mại và đầu tư tự do mà APEC đang theo đuổi sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân.
Theo ông Sơn, các quan chức cao cấp của APEC đánh giá cao cộng đồng DN trong 21 nền kinh tế thành viên đã đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trên những vấn đề thiết thực như giải quyết rào cản phi thuế. APEC cam kết sẽ tạo thuận lợi cho DN nhỏ và vừa phát triển, hội nhập. Qua đó, tự do hóa thương mại và đầu tư sẽ không chỉ là nhu cầu của DN mà quan trọng hơn, nó còn mang lại lợi ích cho từng người dân và thịnh vượng cho toàn xã hội.
Tăng cường kết nối
Đại biểu Salman Al Farisi (Indonesia) nhìn nhận để APEC hỗ trợ tốt cho DN nhỏ và vừa trong thời đại số, các nước cần quan tâm đến sự đổi mới, sáng tạo, làm sao tăng cường nhận thức của họ về thời đại số trong thương mại điện tử, nền kinh tế internet. “Nếu hiểu biết rõ về chúng, các DN này có thể phát triển nhanh chóng” - ông Salman Al Farisi tin tưởng.
Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) Eduardo Pedrosa khẳng định APEC có chung mục tiêu để phấn đấu. Đó là kết nối các nền kinh tế, hội nhập trong khu vực.
“Chúng ta có chung rất nhiều hoạt động thương mại như dòng chảy hàng hóa, dòng chảy đầu tư, dòng chảy tài chính. Chúng ta có mục tiêu Bogor về tự do thương mại và đầu tư mở đến năm 2020. Chúng ta ngồi lại với nhau để cùng thảo luận nhiều sáng kiến, tạo ra các cơ hội cho mọi người tham gia và có lợi từ việc mở cửa thị trường trên toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều mà chúng ta chưa làm tốt lắm là tìm cách để giúp đỡ những người gặp khó khăn khi xin thủ tục thị thực hải quan. Vì vậy, APEC sẽ phải tìm cách làm sao để mọi người cùng thấy được mình cũng là một phần trong câu chuyện hội nhập thành công của khu vực” - ông Eduardo Pedrosa nhấn mạnh.
Theo ông Eduardo Pedrosa, một trong những vấn đề quan trọng nhất trong vài năm tới mà APEC phải làm là tăng cường kết nối. Một số vùng nông thôn, người dân không có được sự kết nối với thị trường toàn cầu do không được tiếp cận internet tốt, không có nhiều kênh kết nối linh hoạt. Do đó, APEC cần có kế hoạch cải thiện sự kết nối ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Lee Taeho, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phụ trách các vấn đề kinh tế, khẳng định Hàn Quốc đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc tăng cường hội nhập ở châu Á - Thái Bình Dương. “Đây là nội dung được ưu tiên hàng đầu trong những năm qua. APEC cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN” - ông Lee Taeho đề nghị.
Biến thách thức thành động lực
Ông Bùi Thanh Sơn nhận định mặc dù có những dự báo tích cực nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn còn chậm. Các nền kinh tế thành viên APEC cũng đang phải đối mặt với việc lợi ích của toàn cầu hóa không được phân bổ một cách đồng đều và công bằng. Tuy vậy, APEC có đầy đủ các nguồn lực, tiềm năng và khả năng để vượt qua thách thức này, biến chúng thành động lực cho tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ hơn.
Bình luận (0)