Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM 2), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, ngày 16-5, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 phối hợp với Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) tổ chức Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai.
Phát biểu tại đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định toàn cầu hóa là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn. Đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ các đại biểu bên lề hội nghị Ảnh: Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận định chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển. Cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung. Hết sức chú trọng thúc đẩy giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và một hệ thống các giải pháp chính sách xã hội tích cực. Trong 2-3 thập niên tới, APEC cần đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực như: biến đổi khí hậu, già hóa dân số, tình trạng bất bình đẳng thu nhập, các thảm họa về thiên tai, bệnh dịch…
Tại đối thoại, Đại sứ Donald Campbell, đồng Chủ tịch PECC, cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC đang bị thách thức bởi quá trình tăng trưởng nhanh chóng trong khu vực. Ngày nay, các công nghệ mới phát triển rất nhanh, chỉ trong vài tháng chứ không phải hàng thế kỷ như trước đây, trong đó phần lớn thay đổi công nghệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế thành viên APEC đang có cơ hội để xác định tầm nhìn hướng tới tương lai, từ đó đưa ra các chính sách và quy tắc bảo đảm mọi người đều được trao quyền và hưởng lợi từ những thay đổi này.
Cùng ngày, tại tỉnh Ninh Bình đã diễn ra hội thảo "Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới", bên lề Hội nghị Quan chức tài chính cao cấp APEC 2017. Các đại biểu mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống báo cáo tín dụng qua những vấn đề về cơ sở pháp lý và chuẩn hóa dữ liệu trong quá trình trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới và những thách thức, triển vọng của quá trình này trong tương lai.
Bình luận (0)