Chiều 21-3, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chủ trì cuộc họp với UBND tỉnh Đồng Nai, ngành đường sắt và các đơn vị liên quan để bàn phương án trục vớt, khắc phục cầu Ghềnh nhằm phục hồi hoạt động đường sắt Bắc - Nam. Cuộc họp không cho các phóng viên tham dự ngoài phóng viên của báo, đài tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, cuối buổi họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi chung với báo giới.
Chưa quyết giải pháp
Ông Đông cho biết hiện các đơn vị đã đưa ra 3 giải pháp tháo dỡ và di dời, giải tỏa hiện trường vụ cầu sập, trong đó có phương án dùng các loại tàu, ca-nô lớn nâng, đẩy, lai dắt hoặc cắt ngắn các khối sập đổ, chìm để giải tỏa. Tuy nhiên, các phương án vẫn đang tiếp tục được bàn thảo.
Ba phương án với thời gian thực hiện khác nhau, trong đó có phương án đưa ra chỉ cần 10 ngày để khắc phục nhưng cần phải xem lại tính khả thi. Theo tính toán, quá trình trục vớt cũng sẽ có nhiều khó khăn do dòng chảy của sông Đồng Nai rất xiết, phương tiện lớn khó tiếp cận hiện trường…
Về việc khôi phục cầu để kết nối lại đường sắt Bắc - Nam cũng có 3 phương án nhưng mới chỉ sơ thảo, gồm: Phương án 1 khôi phục đoạn cầu bị gãy gồm 3 nhịp; phương án 2 là thay 3 nhịp bị đâm gãy; phương án 3 là khôi phục, sửa sang nguyên trạng toàn bộ cây cầu cũ. Theo ông Đông, phục hồi cầu như cũ sẽ có lợi thế thừa hưởng tiêu chuẩn kỹ thuật, lợi cho việc vận hành đường sắt và giữ được các yếu tố về mỹ thuật, lịch sử… Dù vậy, các phương án thay mới nếu áp dụng sẽ có các tiêu chí tiên tiến, hiện đại.
“Đối với việc khắc phục hiện trường, cần bảo đảm yếu tố an toàn. Bên cạnh đó, toàn bộ quá trình khắc phục, làm mới thì yếu tố thời gian hết sức quan trọng, cần phải nhanh và đạt yêu cầu” - ông Đông nói và cho biết thiệt hại là hết sức nghiêm trọng nhưng chưa thể tính cụ thể.
Đoàn tàu kịp dừng 5 giây trước khi cầu sập
Trong ngày 21-3, Công đoàn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khen thưởng 3 nhân viên Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa (gần cầu Ghềnh) vì đã nhanh nhạy trong việc dừng tàu kịp thời, tránh cho một đoàn tàu hàng khỏi lao xuống sông. Ba nhân viên này là các ông Phạm Tiến Dũng, Phan Tiến Dũng và Ngô Việt Phái.
Vào thời điểm cầu Ghềnh sập, các nhân viên này chuẩn bị cho tàu qua thì thấy một người đàn ông chạy đến và hét to là cầu sập. Lập tức, các nhân viên chia nhau một người đứng ở vị trí báo tin, một người chạy đi xác minh, người còn lại nhận tin xác minh và ra hiệu tàu dừng. Lái tàu kịp điều khiển đoàn dừng cách cầu Ghềnh khoảng 200 m, tương ứng với khoảng 5 giây tàu chạy.
Người dân báo tin là ông Huỳnh Ngọc Hoàng (ngụ TP Biên Hòa). Ông Hoàng đang ăn cơm cùng gia đình thì nghe tiếng động lớn, chạy ra thấy cầu Ghềnh sập liền đi báo cho nhân viên gác chắn.
Người cầm lái gây tai nạn chỉ là phụ việc
Hai đối tượng điều khiển đầu tàu kéo sà lan trong vụ sập cầu Gềnh đã bị bắt vào sáng 21-3 và được xác định không có bằng lái, chỉ là người phụ việc nhưng được giao lái tàu trong khi tài công chính (cũng là chủ phương tiện) vắng mặt. Hai đối tượng này là Trần Văn Giang (36 tuổi; ngụ tỉnh Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi; ngụ tỉnh Sóc Trăng). Ngay sau khi Giang và Lẹ bị bắt, tài công chính Phan Thế Thượng (63 tuổi; ngụ TP HCM) cũng bị bắt để điều tra.
Từ lời khai ban đầu của các đối tượng cho thấy trước khi xảy ra vụ việc, Thượng đã điều khiển phương tiện đi từ Tiền Giang lên Đồng Nai, khi đến khu vực phà Cát Lái (TP HCM) thì giao cho Giang và Lẹ điều khiển. Tàu kéo này cũng hết hạn đăng kiểm vào ngày 1-12-2015.
Giang và Lẹ khai do không có kinh nghiệm điều khiển tàu nên khi đến khu vực cầu Ghềnh, nước chảy mạnh không thể điều khiển được đầu kéo và sà lan nên xảy ra va đụng, sà lan lật kéo chìm luôn đầu tàu kéo.
Cơ quan chức năng cũng xác định chủ sà lan bị chìm là bà Nguyễn Thu Hồng (ngụ TP HCM).
Huy động tổng lực
Một nguồn tin cho biết tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng việc xử lý sự cố cầu Ghềnh cần thực hiện cấp bách và phải huy động tổng lực để rút ngắn thời gian khắc phục. Ngành đường sắt phải khẩn trương tổ chức lại kế hoạch vận tải, phối hợp những đơn vị khác tham mưu nên xây dựng cầu mới hay sửa lại cầu cũ. Nếu xây cầu mới thì sẽ có điều kiện nâng cao độ tĩnh không cho cầu Ghềnh và Cục Đường thủy nội địa chịu trách nhiệm trục vớt, giải tỏa chướng ngại vật trên sông. Việc khảo sát và đưa ra phương án cụ thể phải thực hiện trong thời gian sớm nhất để báo cáo Bộ GTVT quyết định.
“Việc khắc phục sự cố cầu Ghềnh cần có biện pháp xử lý đặc biệt, đòi hỏi năng lực, trình độ, tiến độ cũng như chất lượng... Nếu bình thường, việc khắc phục hết 5 tháng thì bây giờ chỉ 2,5 tháng thôi” - ông Nguyễn Nhật yêu cầu.
G.Minh
Soi quét đáy sông
Một thiết bị công nghệ 3D soi quét đáy sông đã được lực lượng chức năng sử dụng để chụp, chiếu khảo sát toàn bộ khu vực cầu Ghềnh trong ngày 21-3. Thiết bị có giá 2 tỉ đồng, nặng 80 kg, có thể nhìn thấy đáy sông trong bán kính 200 m, vận hành bởi một tổ gồm 4 người. Hình ảnh khảo sát được chiếu trực tiếp lên màn hình; việc này cũng giúp cho công tác trục vớt được thực hiện một cách tối ưu.
Bình luận (0)