Cụ thể: Hà Nội 2 cháu 8 tuổi là Phạm Văn Hai và Nguyễn Kim Mạnh ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh đi học bị chết đuối; Hoà Bình 2 người là Đỗ Thị Phượng, 13 tuổi xóm Kim Lý, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc và ông Đinh Văn Ba 55 tuổi xóm Bưa Xem xã Suối Lánh huyện Đà Bắc; Vĩnh Phúc 1 người bị sét đánh chưa rõ danh tính; Nghệ An 2 người là Nguyễn Thị Bình 17 tuổi xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên, Lê Thị Thuý Vân 8 tuổi, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa; Hà Tĩnh 1 người là Lê Thị Linh 11 tuổi, xóm 13, xã Hương Giang, Hương Khê; Quảng Bình 1 người và 1 người mất tích ở Thái Nguyên do đi qua suối bị lũ cuốn trôi.
Ông Bùi Văn Đức, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 24 năm, thậm chí còn lớn hơn lượng mưa lịch sử năm 1984. Trận mưa này còn tiếp tục trong vòng 2 ngày nữa do ảnh hưởng của một bộ phận không khí lạnh tràn xuống miền Bắc. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to nhiều nơi, một số nơi mưa rất to.
Theo TTXVN, lượng mưa đo được vào lúc 7 giờ sáng nay tại trung tâm thành phố Hà Nội đã đạt 420 mm, vượt xa mức lịch sử năm 1984 (mức kỷ lục năm 1984 là 394 mm); Hà Đông là 627 mm; Thượng Cát gần 420 mm, Trâu Quỳ 408 mm, Đông Anh 442mm... Đáng lo ngại là nhiều khả năng trong ngày hôm nay (1-11) lượng mưa tiếp tục bổ sung từ 150 đến 200 mm.
Đây là trận mưa diễn ra rất bất thường và phức tạp trong vòng hàng chục năm qua, đặc biệt lại rơi vào trung tâm Thủ đô Hà Nội gây bất ngờ cho các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn bởi theo quy luật hàng năm, thời điểm này mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ đã kết thúc.
Chính vì sự bất thường, trái với quy luật này nên các chuyên gia dự báo cho rằng đợt mưa này sẽ còn diễn biến phức tạp và vô cùng khó lường.
Tại cuộc họp bàn giải pháp phòng chống mưa lũ diễn ra sáng nay (1-11), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai phương án phòng chống lũ theo cấp báo động. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông có nguy cơ bị ngập, lũ quét, sạt lở đất phải tổ chức sơ tán để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, các đoạn đường bị ngập, chính quyền cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm về việc hoạt động giao thông thuỷ ở khu vực có lũ.
Rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Sáng nay, trước tình hình lũ sông Hoàng Long, đập tràn Đức Long, Gia tường có sự cố tràn và sạt phần mềm, Thứ trưởng Đào Xuân Học, Phó trưởng Ban Chỉ Đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã đến tỉnh Ninh Bình cùng địa phương kiểm tra chỉ đạo các biện pháp đối phó với mưa, lũ. Lũ sông Hoàng Long tại Bến Đế đã đạt mức đỉnh là 4,69 m (trên mức báo động 3 là 0,69m) vào 6 giờ sáng nay (1-11) và đang biến đổi chậm.
Mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế xuống chậm, chiều tối nay, mực nước tại Bến Đế có khả năng xuống mức 4,5m (trên mức báo động 3 là 0,5 m).
Đề phòng có khả năng xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối miền núi các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên…
Hiện nay, Bộ Công an, Bộ Y tế đã có Công điện chỉ đạo các đơn vị trong ngành và các tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn triển khai các biện pháp đối phó với mưa, lũ. Di dời người dân khỏi các vùng nguy hiểm, cấp phát thuốc men không để xảy ra dịch bệnh, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Bộ Tham mưu Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo các đơn vị biên phòng từ Thanh Hóa đến Quảng Trị triển khai kế hoạch phòng chống mưa lũ, ngập lụt và sạt lở đất.
Cục Thủy lợi yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Giám đốc công ty khai thác công trình thủy lợi: Bắc Đuống, Bắc Hưng Hải, Sông Nhuệ, Bắc Nam Hà chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp đối phó với mưa, lũ để đảm bảo tiêu thoát nước và chống úng cho cây vụ Đông. Hiện nay, các tỉnh: Bắc Kạn, Ninh Bình, Phú Thọ và Tuyên Quang đã cử các đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn, cùng với địa phương chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều nay, lũ sông Bưởi tại Kim Tân sẽ đạt đỉnh ở mức 11,5 m (ở mức báo động 3); lũ hạ lưu sông Mã, sông La xuống chậm, riêng hạ lưu sông Cả còn dao động ở mức đỉnh. Sáng mai (2-11), mực nước tại Kim Tân có khả năng xuống mức 10,8m, trên báo động 2: 0,3 m; tại Nam Đàn xuống mức 7,4 m, dưới báo động 3: 0,5 m, tại Linh Cảm xuống mức 4,8 m, dưới báo động 2: 0,7 m; hạ lưu sông Mã xuống dưới mức báo động 1. Vì vậy, cần đề phòng, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Hồ Hòa Bình lúc 13 giờ ngày 31-10 mở cửa xả đáy số 01 và 23 giờ tối ngày 31-10 đã đóng do lưu lượng về hồ giảm. Hiện nay các hồ chứa đều an toàn. |
. Sáng 1-11, tại địa bàn huyện Nho Quan, Trung úy Đặng Đình Hào 32 tuổi quê ở Khánh Thủy, Yên Khánh, Ninh Bình, Đại đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 66, Trung đoàn 202 (Quân đoàn 1) đã dũng cảm hy sinh trong mưa lũ. Khi nước lũ sông Hoàng Long (Ninh Bình) dâng cao khiến đập Đức Long - Gia Tường bị vỡ, Trung úy Đăng Đình Hào đã cùng đồng đội bảo vệ tuyến Đập Đức Long - Gia Tường đã bị nước lũ cuốn trôi.
. Bắc Giang: Sáng 1-11, tại huyện Sơn Động, chị Chu Thị Hồng, sinh năm 1970, ở thôn Ó, xã Phúc Thắng, khi cùng con đi qua ngầm Vực Làng Ó đã bị nước lũ cuốn trôi (nhân dân đã cứu được cháu bé) và chị Vũ Thị Nhi, SN 1972, ở thôn Thia, xã Lệ Viễn, do đứng cạnh bờ sông Thanh Trà, đất bờ sông lở làm chị rơi xuống sông và bị lũ cuốn. Do ảnh hưởng của đới gió Đông Nam hoạt động từ tầng thấp lên đến độ cao trên 5000 m, từ hôm qua đến hôm nay (1-11), trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
Lượng mưa đo được từ 13 giờ ngày 31-10 đến 7 giờ ngày 1-11, tại huyện Việt Yên là 250 mm, huyện Yên Thế 207 mm, huyện Lạng Giang 180 mm, thành phố Bắc Giang 154 mm.
Hiện nay, đê hữu sông Thương khu vực từ K8+250, tại địa bàn xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, bị trượt mái phía sông dài theo đê trên 30 m, ăn sâu vào mặt đê 0,6 m, cả khối đất mái đê phía sông trượt thẳng xuống sông. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã chỉ đạo Hạt quản lý đê điều huyện Tân Yên phối hợp với chính quyền huyện đo vẽ lập báo cáo; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để xử lý và lập barie cấm người, phương tiện qua lại khu vực đê bị sạt lở.
Đêm qua, một người đã bị sét đánh chết ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên.
Bình luận (0)