Cho đến trưa 1-11, mưa lớn vẫn kéo dài liên tục tại Hà Nội. Hàng loạt tuyến đường phố trung tâm như Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Khuyến, Láng Hạ, Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám và các tuyến đường vào nội đô như Nguyễn Trãi, Giải Phóng... vẫn chìm trong biển nước. Nhiều chuyến tàu Thống Nhất đã phải dừng lại ở ga Ngọc Hồi, Giáp Bát... mà không thể vào ga Hà Nội do đường sắt ngập nước. Cuộc sống người dân Hà Nội đảo lộn và khốn đốn do mưa gây ngập sâu.
Những cái chết thương tâm
Mưa lớn lịch sử sau 24 năm tại Hà Nội đã gây thêm một cái chết thương tâm cho một học sinh. Vào khoảng 7 giờ ngày 1-11, cháu Trần Tú Quyên (13 tuổi), học sinh lớp 7A2 Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) trên đường đến trường bằng xe đạp không may rơi xuống cống thoát nước hồ Nam Đồng (quận Đống Đa). Bà Vũ Thị Hồng, bác của Tú Quyên, cho hay gia đình đã liên lạc với nhà trường để hỏi việc có bắt buộc học sinh đi học vào ngày mưa lớn không.
Thầy hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn, ông Lê Hữu Hùng, cho rằng đã thông báo cho học sinh nghỉ học từ ngày 31-10 trên bảng thông báo của trường nhưng chắc do mưa làm mờ nên các cháu không đọc được (!?). Bà Hồng cho rằng chính từ sự tắc trách này nên cháu Quyên vẫn quyết tâm đi học, dù gia đình đã cố giữ cháu ở nhà.
Theo ghi nhận của chúng tôi, học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt (Đống Đa) và nhiều trường học khác trên địa bàn, học sinh vẫn đến trường mặc dù nước ngập đến ngang lưng và ngực các cháu. Trước tình hình như vậy, ngày 1-11, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo cho học sinh nghỉ học trên toàn TP đến hết ngày 3-11.
Cũng vào 7 giờ 30 ngày 1-11, người dân ở đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân) phát hiện một ô tô Toyota 12 chỗ (BKS 80B – 1601) bị ngập nước, chết máy ở sát bờ sông Lừ. Một người dân địa phương lại gần phát hiện 2 người đàn ông đã chết và báo công an. Theo nhận định ban đầu, rất có thể khi đi đến đoạn đường này thì xe bị ngập nước, chết máy, nên 2 người đã kéo cửa kính ngủ lại trong xe và bị chết ngạt.
Báo cáo nhanh của cơ quan chức năng Hà Nội, đến ngày 1-11, đã có 17 người thiệt mạng, 1 người mất tích. Nếu tính cả Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đã có ít nhất 30 người chết và mất tích.
Hà Nội thiệt hại lớn
Theo UBND TP Hà Nội, ước tính ban đầu, tổng giá trị thiệt hại do trận mưa lớn kỷ lục từ đêm 31-10 đến ngày 1-11 hơn 3.000 tỉ đồng. Đã có trên 10.000 hộ dân ven đê, vùng trũng dọc theo các triền sông bị ngập nhà cửa và nhiều công trình dân sinh như trường học, trạm y tế bị chìm trong nước. Diện tích cây trồng vụ đông bị úng ngập, mất thu hoạch 45.000 ha, giá trị thiệt hại khoảng 450 tỉ đồng.
Diện tích thủy sản bị ngập khoảng 9.000 ha, ước thiệt hại khoảng 810 tỉ đồng... Mưa kéo dài liên tục đã gây ra cảnh mất điện, đường truyền Internet gặp sự cố ở khắp nơi, làm công việc của các cơ quan đình trệ và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa điểm trong TP bị cô lập và thành ốc đảo như: khu Nam Đồng, Trương Định, Thành Công, hồ Ba Mẫu... hàng vạn hộ dân trong cảnh mất điện, mất nước và thiếu thực phẩm. Các hồ lớn trong TP như: Thành Công, Ba Mẫu, Bảy Mẫu... nước ngập ra cả vùng lớn, người dân đã tranh thủ mang lưới, nơm bắt cá!
Kéo theo ngập lụt, tắc đường khắp nơi là giá cả thực phẩm, dịch vụ ở Hà Nội cũng leo thang. Tại các chợ, mặt hàng rau xanh đắt gấp nhiều lần so với ngày thường. Tại các chợ Ngô Sỹ Liên, Nam Đồng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên, Thành Công, Hôm, Láng Hạ... giá một mớ rau lên tới 20.000 đồng so với ngày thường chỉ có 4.000-5.000 đồng, giá su hào lên tới 10.000-12.000 đồng/củ - tăng gấp 5-6 lần... Giá thực phẩm cũng tăng mạnh, thịt bò tăng từ 120.000 đồng/kg lên 140.000-150.000 đồng/kg, thịt heo từ 80.000 đồng/kg lên 90.000-100.000 đồng/kg, gà ta tăng từ 95.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg.
Hà Tây: Mưa lớn lịch sử 100 năm qua Mưa giảm dần ở Hà Nội, tăng lên ở Trung Bộ. Lũ tiếp tục xảy ra ở Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ Tính đến chiều 1-11, tổng lượng mưa ở khu vực Hà Nội (mới) phổ biến từ 350-550 mm, một số điểm lớn hơn như Ứng Hoà: 603 mm, TP Hà Đông: 707 mm, Thanh Oai: 914 mm. Đây là đợt mưa lớn kỷ lục, đối với Hà Nội cũ đợt mưa này tương đương với đợt mưa lịch sử tháng 11-1984; còn đối với Hà Tây thì đây là đợt mưa lớn chưa từng có từ khi có quan trắc khí tượng đến nay (khoảng gần 100 năm).
Mưa lớn trên diện rộng vào cuối tháng 10- cuối mùa thu lại chỉ do hội tụ của gió Đông Nam thuần túy là hiện tượng rất bất thường. Trong quá khứ cũng đã từng xảy ra các trận mưa lớn như vậy, nhưng ngoài gió Đông Nam ra còn phải kết hợp với bão hoặc áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Bắc Trung Bộ (như năm 1984 và 2007). Dự báo định lượng mưa đã khó, dự báo được những trận mưa cường độ kỷ lục lên tới vài ba trăm mm trong vòng 1-2 ngày thì hiện trên thế giới chưa nước nào làm được. Hiện đới gió Đông Nam đã bắt đầu suy yếu. Ngày và đêm 2-11, một bộ phận không khí lạnh sẽ tràn xuống Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do vậy, ở Bắc Bộ vẫn tiếp tục có mưa rào và dông. Tuy nhiên, diễn biến mưa ở các khu vực khác nhau: ở phía Tây Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc, mưa có xu hướng tăng lên so với hai ngày qua, rải rác có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bao gồm cả khu vực Hà Nội, cường độ mưa sẽ giảm đáng kể. Ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to trở lại, lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ lên từ báo động II đến báo động III, riêng hệ thống sông Cả, sông Bưởi trên báo động III; lũ các sông từ Quảng Bình trở vào sẽ lên trở lại và có khả năng xuất hiện lũ lớn trong tuần tới. B.M.T |
Bình luận (0)