Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện (BV) công hoạt động rất chật vật bởi tình trạng bác sĩ nghỉ việc với lý do thu nhập thấp, không được đãi ngộ tương xứng, áp lực công việc lớn…
Nộp phạt để... nghỉ việc
Bác sĩ Phạm An Hùng, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Lào Cai, cho biết từ đầu năm đến nay, đã có 2 bác sĩ chuyên ngành tai mũi họng của BV xin nghỉ việc, trong đó có một trưởng khoa. Một trong 2 bác sĩ này sau khi hoàn thành khóa học tại Hà Nội và tiếp tục xin học thêm một khóa về nội soi tuyến giáp tại BV Nội tiết Trung ương thì nghỉ việc.
“Bác sĩ này chấp nhận nộp cho BV hơn 300 triệu đồng để được nghỉ việc. Một nửa trong số này là chi phí bác sĩ được nhận trong thời gian đi học, nửa còn lại là tiền phạt vì đã vi phạm các quy định của BV” - bác sĩ Hùng nói.
BV Đa khoa Lào Cai hiện thiếu khoảng 30 bác sĩ. Việc cử bác sĩ đi đào tạo nâng cao tay nghề là bắt buộc nhưng BV rất ngại bởi học xong thường bị mất người. “BV cũng cố gắng hết sức nhưng không thể giữ chân các bác sĩ giỏi vì điều kiện công tác, sinh hoạt không thể bằng thủ đô. Với BV tuyến trung ương, thêm một bác sĩ có tay nghề tốt, bệnh nhân cũng sẽ không đông hơn nhưng với BV tuyến tỉnh, tuyến huyện miền núi, mất đi một bác sĩ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương” - ông Hùng nhận định.
Đặt vấn đề thu nhập thấp là nguyên nhân làm bác sĩ bỏ đi, ông Hùng cho rằng không phải. “Một bác sĩ trưởng khoa ở BV tỉnh thu nhập khoảng 17-18 triệu đồng/tháng. Với thu nhập này mà sống ở một tỉnh miền núi thì chắc chắn không khó khăn!” - ông Hùng khẳng định.
Tình trạng bác sĩ bỏ quê lên phố, bỏ BV công sang BV tư cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác. Giữa tháng 5-2016, dư luận tại tỉnh Cà Mau xôn xao trước thông tin 3 bác sĩ trưởng khoa của BV Đa khoa khu vực Cái Nước xin nghỉ việc cùng lúc. Theo lãnh đạo BV trên, lý do nghỉ việc của các bác sĩ là vì thu nhập thấp. Tại BV Đa khoa tỉnh Cà Mau, hơn 10 bác sĩ xin nghỉ việc trong năm 2015 và vẫn tiếp diễn trong năm 2016. Còn theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, 3 năm qua có tới 48 bác sĩ ở BV công xin nghỉ việc, đa số là bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa I, thạc sĩ. Tỉnh Bạc Liêu đã có 14 bác sĩ bỏ BV công về BV tư làm việc. Tình trạng BV tư “rút ruột” hàng chục bác sĩ giỏi ở các BV công cũng phổ biến ở nhiều BV tuyến trung ương và Hà Nội.
Khó ràng buộc
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, thừa nhận tình trạng nhân lực ngành y tế phân bố mất cân đối theo vùng miền. Bác sĩ, dược sĩ đại học chủ yếu tập trung ở trung ương và tuyến tỉnh. Cùng đó, tình trạng dịch chuyển nhân lực y tế từ tuyến dưới lên tuyến trên, về các BV tại thành phố lớn, từ y tế công sang y tế tư nhân ngày càng gia tăng…
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, việc bác sĩ BV công xin nghỉ để chuyển sang BV tư có thu nhập cao hơn là vấn đề bình thường như bao ngành nghề khác. Các bác sĩ công tác ở BV hiện nay phải đối mặt với áp lực rất lớn do bệnh nhân đông, điều kiện làm việc khó khăn, thường xuyên đối mặt với các nguy cơ rủi ro, kiện cáo, nhất là khi xảy ra sai sót chuyên môn ngoài ý muốn. Các BV huyện vắng bệnh nhân, nhiều nơi không đủ điều kiện cho các bác sĩ phát huy năng lực, trình độ của mình kèm theo thu nhập thấp thì tất yếu sẽ có người nghỉ việc để tìm môi trường làm việc tốt hơn. Dù mới chỉ là hiện tượng nhưng ông Quang cho rằng đây là những cảnh báo đối với lãnh đạo các BV công cần phải thay đổi cơ chế hoạt động để giữ chân cán bộ giỏi.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức, cho biết nguyên nhân chính khiến bác sĩ rời BV công sang tư hoặc từ nông thôn, miền núi về các thành phố lớn vẫn là bài toán lương, thưởng. Góp phần giữ nhân lực cho tuyến dưới, nhiều năm nay, lãnh đạo BV Việt Đức đã có chủ trương sẽ tạo điều kiện tối đa cho các học viên từ BV tỉnh, huyện về học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật nhưng không cho phép nhận người chen ngang, co kéo… bác sĩ của các BV tuyến dưới.
Thu nhập không tương xứng
TS Nguyễn Huy Quang cho rằng lý do chính để các bác sĩ rời BV công là thu nhập quá thấp. Một bác sĩ học tập mải miết 9-10 năm mới có thể hành nghề độc lập nhưng lại được hưởng mức lương, phụ cấp không tương xứng. Sẽ rất phi lý khi một bác sĩ có năng lực, trình độ chuyên môn cao nhưng thu nhập lại không đủ để lo cho gia đình. Vậy làm sao họ có thể yên tâm làm việc, hết mình vì người bệnh?
Bình luận (0)