Ngày 2-8, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Nông Cống khẩn trương xác định nguyên nhân khiến sản phụ Nguyễn Thị Oanh (SN 1976; ngụ xã Công Liêm, huyện Nông Cống) bị cắt cả 2 niệu quản, đồng thời xác định rõ trách nhiệm những người liên quan.
Bác sĩ “có kinh nghiệm”
Trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí, ông Trần Văn Hiền (ngụ thôn Cự Phú, xã Công Liêm) cho biết hôm 23-6, vợ ông là bà Nguyễn Thị Oanh chuyển dạ sinh con thứ hai tại BVĐK huyện Nông Cống. Các bác sĩ (BS) đã chẩn đoán sản phụ Oanh khó sinh nên phải mổ. Trong quá trình mổ bắt con, tử cung của sản phụ bị đơ không cầm được máu nên các BS khuyên cắt bỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Gia đình sản phụ Oanh đã đồng ý.
Sau phẫu thuật, bà Oanh có biểu hiện tê liệt hoàn toàn về tiết niệu dẫn tới phù nề. Lúc này, BVĐK huyện Nông Cống chuyển sản phụ lên BV tuyến trên. Tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, gia đình mới biết bà Oanh đã bị các BS BVĐK huyện Nông Cống cắt đứt và khâu nhầm hoàn toàn phần niệu quản khiến bà không đi vệ sinh được.
Sau 2 tuần điều trị, ngày 7-7, sản phụ Oanh xuất viện. “Về nhà, vợ tôi thường bị đau nên gia đình đưa đi khám lại thì các BS cho biết là do ảnh hưởng của việc cắt 2 niệu quản. Gia đình lên gặp lãnh đạo BVĐK huyện Nông Cống nhưng BV tỏ ra thờ ơ, né tránh trách nhiệm” - ông Hiền bức xúc.
Ông Lê Nguyên Khanh, Giám đốc BVĐK huyện Nông Cống, xác nhận sự việc này và cho rằng đó là trường hợp hy hữu, ngoài ý muốn của BV. “Trong quá trình mổ bắt con, tử cung của sản phụ không co lại được nên không cầm được máu. BV đã cắt tử cung để cứu bệnh nhân. Do máu tràn nhiều, 2 dây niệu quản lại nhỏ nằm gần cổ tử cung nên trong lúc phẫu thuật, các BS có thể phạm phải” - ông lý giải.
Theo ông Khanh, ca phẫu thuật này do những BS có kinh nghiệm như BS Tào Thị Tỉnh - Trưởng Khoa Sản, BS Ngô Công Nghiêm - phó giám đốc BV, thực hiện.
Theo bệnh án của BVĐK tỉnh Thanh Hóa, sản phụ Oanh nhập viện trong tình trạng bị vô niệu do khâu, cắt vào 2 niệu quản sau khi phẫu thuật cắt tử cung giờ thứ 8, tiên lượng rất nặng, đồng thời phải xét nghiệm, mổ cấp cứu. BS Lê Đăng Khoa, Trưởng Phòng Kế hoạch BVĐK tỉnh Thanh Hóa, khẳng định sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được phẫu thuật tháo nút khâu 2 niệu quản lại, sau đó cắm vào bàng quang để thông niệu quản. “Trường hợp này nếu chậm xử lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe vì thận có thể bị teo và mất chức năng” - ông Khoa nói.
Ông Lê Nguyên Khanh cho hay BV mới họp để rút kinh nghiệm chứ chưa đưa ra hình thức xử lý nào. Tuy nhiên, ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Những cá nhân liên quan đến kíp mổ phải có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe, đền bù tổn thất về mặt tinh thần cho bệnh nhân chứ không phải BV vì các BS đều mua bảo hiểm rủi ro.
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm, không bao che. Tuy nhiên, cần phải làm rõ xem BV đã cắt phải niệu quản chưa hay khâu túm lại. Theo ông, để xảy ra việc này, có thể do BS tắc trách hoặc trình độ chuyên môn kém, khi đã làm rõ thì sai phạm đến đâu xử đến đó.
Nhầm là khó tránh, cần được thông cảm (!)
Gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cắt nhầm, mổ nhầm ở BV từ tuyến huyện đến trung ương.
Gần đây nhất, ngày 19-7, tại BV Việt Đức (Hà Nội), bệnh nhân Trần Văn Thảo (37 tuổi; ngụ huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tỉnh lại sau ca phẫu thuật mới phát hiện BS đã mổ nhầm chân cho mình. Trước đó, vào tháng 6-2016, BS ở BVĐK 115 Nghệ An đã mổ nhầm tay trái của bé Phạm Thành Luân (6 tuổi, ở Hà Tĩnh)...
Trước tình trạng này, ngày 2-8, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu các BV nghiêm túc rà soát lại quy trình, bảo đảm an toàn cho người bệnh, đặc biệt là trong phẫu thuật, thủ thuật.
BS Dương Đức Hùng - Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia thuộc BV Bạch Mai (Hà Nội) - khẳng định tai biến ngoại khoa thường để lại hậu quả nghiêm trọng hơn nội khoa. Nếu nhân viên y tế không nghiêm túc thực hiện quy trình an toàn người bệnh thì có thể xảy ra những vụ cắt nhầm, mổ nhầm bộ phận lành, không có cách nào phục hồi. Hiện quy trình an toàn người bệnh ở một số BV chưa được coi trọng. Có BV quy định rất chặt chẽ nhưng nhân viên y tế lại thực hành lơ đãng, sơ suất hoặc “quen tay”, tự bỏ qua một số bước dẫn đến “sai một li, đi một dặm”. Trong đó, sai sót phẫu thuật nhầm lẫn trái - phải dễ gặp nhất.
Để xảy ra sự cố y khoa đáng tiếc và hy hữu như thời gian qua, nhiều BS cho rằng một phần do tình trạng quá tải ở các BV tuyến trung ương. Các BS phẫu thuật phải làm việc liên tục, căng thẳng dẫn đến việc thực hiện quy trình an toàn người bệnh lơi lỏng.
Riêng về tai biến sản khoa, theo PGS-TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản trung ương, thường diễn biến rất nhanh. Khi sản phụ chảy máu ồ ạt, tính mạng bị đe dọa, các BS phải bằng mọi cách nhanh nhất để cắt, kẹp những bộ phận để cầm máu, không có thời gian cân nhắc tỉ mỉ. Trong khi đó, các bộ phận ở ổ bụng rất gần nhau nên việc cắt nhầm, kẹp nhầm gây tổn thương các bộ phận khác dễ xảy ra. Ngay cả BV tuyến trung ương cũng xảy ra những nhầm lẫn khó tránh khỏi như vậy.
“Không nên vội vàng quy chụp, đổ lỗi cho BS, thậm chí lên án cả ngành y yếu kém trong khi các BS thực tâm cứu người. Sự lên án vội vã khiến dư luận hoang mang và các BS cũng buồn vì sự cố gắng của mình không được thấu hiểu” - PGS Quyết băn khoăn.
Quản lý bệnh nhân bằng vân tay
Hiện BV Bạch Mai đã triển khai thí điểm mô hình quản lý bệnh nhân tái khám bằng vân tay tại Đơn vị Tim mạch. Bệnh nhân tái khám chỉ cần ấn vân tay vào máy là BS biết được tiền sử bệnh và các chỉ định đã hẹn trước để điều trị chính xác.
Bình luận (0)